Các biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch hầu, có thể gây tử vong

Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nhóm B trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Bệnh có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Tác nhân và đường lây bệnh

Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có tính chất gây dịch, chủ yếu lây truyền theo đường hô hấp, do trực khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheriae) gây nên.

Biểu hiện của bệnh bạch hầu

Thể bệnh hay gặp nhất của bệnh bạch hầu là ở đường hô hấp (mũi, họng, thanh quản, khí phế quản), trong đó 70% là bạch hầu họng.

Với thể bạch hầu họng, sau thời gian ủ bệnh từ 2-5 ngày, bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng như sốt nhẹ 37,5-38 độ C, đau họng, khó chịu, sổ mũi có thể lẫn máu. Khám họng có thể thấy họng hơi đỏ, amidan có điểm trắng mờ; sờ thấy hạch cổ nhỏ, di động, không đau.

Sau khoảng 3 ngày, bệnh bước vào giai đoạn toàn phát với các triệu chứng điển hình nhất: sốt tăng 38-38,5 độ C, nuốt đau, da xanh tái, mệt nhiều, sổ mũi nhiều, nước mũi trắng hoặc lẫn mủ. Khám họng thấy giả mạc lan tràn ở một bên hoặc 2 bên amidan, có thể lan trùm cả lưỡi gà và màn hầu; hạch vùng cổ sưng đau, phù nề, khi có dấu hiệu cổ bạnh (bull neck) là dấu hiệu nặng.

Mô tả trực khuẩn bạch hầu.

Mô tả trực khuẩn bạch hầu.

Giả mạc lan rộng có thể gây thở rít, tắc nghẽn đường thở và suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu không được xử trí kịp thời.

Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, giả mạc hết nhanh trong 1-3 ngày, bệnh nhân hết sốt và hồi phục dần sau 2-3 tuần.

Các biến chứng nguy hiểm

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người mắc bệnh bạch hầu có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Tắc đường hô hấp: Vi khuẩn bạch hầu sẽ tạo lớp màng giả màu trắng do các lớp tế bào bị viêm tạo ra lớp màng bám vào trong vòm họng. Nếu không điều trị, màng bám sẽ lan ra lấp đường hô hấp gây ngạt thở, suy hô hấp cho người bệnh.

Viêm cơ tim: Độc tố bạch hầu có thể ảnh hưởng đến tim, gây rối loạn nhịp tim, suy tim và có thể tử vong.

Tổn thương thần kinh dẫn đến tê liệt: Độc tố bạch hầu cũng có thể gây ra các biến chứng tê liệt thần kinh.

Rối loạn chức năng bàng quang: Một biến chứng khác có thể xảy ra với bệnh nhân bạch hầu là các vấn đề về dây thần kinh kiểm soát bàng quang, khiến bệnh nhân gặp các triệu chứng như đi tiểu thường xuyên, tiểu rắt, mất kiểm soát bàng quang…

Tê liệt cơ hoành: Với người bệnh bạch hầu, cơ hoành có thể bị tê liệt rất đột ngột, kéo dài hơn nửa giờ hoặc lâu hơn. Nếu cơ hoành tê liệt, ngừng hoạt động, người bệnh có nguy cơ tử vong.

Suy hô hấp, viêm phổi: Ở tuần thứ 5 của bệnh có thể xảy ra biến chứng liệt các dây thần kinh vận nhãn, cơ chi và liệt cơ hoành. Cơ hoành có vai trò quan trọng đối với hệ hô hấp, do đó nếu cơ hoành bị liệt hoàn toàn, triệu chứng khó thở sẽ biểu hiện thường xuyên hơn, thậm chí dẫn đến viêm phổi và suy hô hấp.

Tử vong: Với người mắc bệnh bạch hầu, ngay cả khi đã điều trị kịp thời vẫn có khoảng 1 trong 10 bệnh nhân tử vong.