Dù nồng độ cồn trong máu của bạn là bao nhiêu thì việc cơ thể và hệ thần kinh của bạn cũng đều bị ảnh hưởng, đặc biệt là nguy cơ tai nạn nếu điều khiển phương tiện giao thông.
1. Nồng độ cồn trong máu là gì?
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới nồng độ cồn trong máu của một người sau khi uống rượu bia chẳng hạn như giới tính, độ tuổi, chức năng gan, trước khi uống bạn có ăn gì không, lượng rượu uống là bao nhiêu, nồng độ rượu bia mà bạn uống là bao nhiêu, có đang mắc bệnh gì không,... Hay nói cách khác, có người đào thải nồng độ cồn nhanh nhưng cũng có người đào thải chậm.
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới nồng độ cồn trong máu của một người sau khi uống rượu bia (Ảnh: Internet)
Nồng độ cồn trong máu (BAC - Blood Alcohol Concentration) là một cách để đo lường lượng cồn có trong máu của một người tại một thời điểm cụ thể. Nó thường được tính bằng phần lượng cồn có trong một thể tích máu bằng 100 mililít (ml) hoặc 1 decilít và có thể ảnh hưởng đến khả năng phán đoán, phản xạ và khả năng lái xe hay thực hiện các công việc khác. Ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, việc có nồng độ cồn trong máu vượt quá một ngưỡng nhất định là bất hợp pháp và sẽ bị xử phạt nếu lái xe.
Xét nghiệm nước tiểu và hơi thở
Xét nghiệm nước tiểu và hơi thể có thể giúp phát hiện dấu vết của nồng độ cồn. Xét nghiệm nước tiểu trung bình có thể phát hiện nồng độ cồn tới 12 giờ sau khi uống, một số xét nghiệm nâng cao hơn có thể đo nồng độ cồn trong nước tiểu tới 24 giờ sau khi uống rượu.
Với kiểm tra nồng độ cồn bằng máy đo nồng độ thì có thể phát hiện trong khoảng thời gian ngắn hơn, khoảng 4 - 6 giờ.
Nồng độ cồn trong máu sẽ đạt đỉnh trong khoảng 1 tiếng - 1 tiếng 30 phút sau khi uống rượu bia và giảm từ từ sau đó. Cồn có thể tồn tại trong máu và hơi thở của người uống tới 24 giờ và chỉ 15 phút sau khi uống rượu bia là có thể đo được ngay nồng độ cồn trong máu bằng máy đo nồng độ cồn.
Có những trường hợp nồng độ cồn trong máu vẫn còn tới buổi sáng hôm sau, sau khi người uống đã ngủ một đêm mà không uống thêm.
2. Cách giảm nhanh nồng độ cồn trong máu
Đầu tiên, không gì có thể làm giảm nồng độ cồn trong máu nhanh và cách duy nhất để giảm nồng độ cồn trong máu chính là đợi gan phân hủy lượng rượu bia mà bạn uống. Tốc độ phân hủy sẽ khoảng 0,015 mỗi giờ với điều kiện bạn không uống thêm bất kì loại rượu bia nào khác sau đó. Điều đó có nghĩa là bạn nên uống ít hơn, uống chậm và nói chuyện với bạn bè để tăng thông khí và sự đào thải qua hơi thở hay đi tiểu tiện (chủ yếu).
Để giảm nồng độ cồn trong máu nhanh sau khi uống rượu bạn có thể tham khảo một số mẹo sau đây. Tuy nhiên cần ghi nhớ rằng, đã uống rượu bia thì không lái xe ở bất cứ hình thức nào, tránh gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.
Uống nhiều nước
Nghe có vẻ đơn giản nhưng như đã nói ở trên, nồng độ cồn trong máu bài tiết chủ yếu qua nước tiểu nên việc uống nhiều nước sau khi uống rượu bia hoặc uống xen kẽ nước lọc khi đang uống rượu bia sẽ giúp giảm lượng rượu bia tiêu thụ đồng thời thúc đẩy cảm giác buồn tiểu tiện và đi tiểu nhiều hơn.
Tuy nhiên lượng nước lọc mà bạn uống nên được điều chỉnh phù hợp với trạng thái của cơ thể. Việc bổ sung quá nhiều nước "ngay lập tức" khi cơ thể đang ở trạng thái "hangover - say xỉn" sau khi uống rượu bia có thể dẫn tới một vài phản ứng tiêu cực như rối loạn điện giải, mệt mỏi nghiêm trọng hơn, nôn nao hơn,...
Uống điện giải giúp bổ sung lượng natri và kali bị mất do uống rượu bia (Ảnh: Internet)
Do vậy mà bạn có thể thay thế nước lọc bằng dung dịch điện giải pha theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Có nên dùng thuốc giải rượu để giảm nồng độ cồn trong máu?
Thuốc giải rượu được nhiều "dân nhậu" truyền tai nhau với quảng cáo giúp giảm nồng độ cồn trong hơi thở, giảm tác hại của bia rượu tới cơ thể sau khi uống bia rượu say xỉn. Thành phần chính của thuốc giải rượu thường chứa các thành phần như vitamin B1, B6, B12, acid glutamic... Những chất này được cho là góp phần tham gia quá trình chuyển hóa rượu.
Tuy nhiên thực tế loại thuốc này chỉ giúp hỗ trợ một phần trong quá trình chuyển hóa rượu (ức chế acetaldehyd được hình thành khi uống rượu, đồng thời hỗ trợ đào thải chất này ra khỏi cơ thể) chứ chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh tác dụng bảo vệ hoặc phục hồi cơ quan dễ bị rượu làm tổn hại là gan hoặc triệt tiêu tác dụng của rượu trên hệ thần kinh trung ương để làm mất đi trạng thái say xỉn hoặc giảm nồng độ cồn trong máu.
Nói cách khác, các thuốc giải rượu này có tác dụng hỗ trợ trong quá trình chuyển hóa rượu thành những chất không gây độc như CO2 và nước, chứ không có tác dụng phục hồi hay bảo vệ các cơ quan bị rượu làm tổn thương.
Đặc biệt là với những người uống rượu bia nhiều thì thuốc giải rượu cũng không kịp hỗ trợ và người uống vẫn bị say xỉn. Ngoài ra, lạm dụng thuốc giải rượu có thể gây tăng men gan (AST, ALT, gamma-GT), giảm tiết các chất có chức năng bảo vệ gan, tăng triglyceride và các acid béo trong cơ quan này dẫn tới tình trạng gan nhiễm mỡ, hoại tử gan, thậm chí là viêm loét đường tiêu hóa,...
Thuốc giải rượu chỉ giúp hỗ trợ một phần trong quá trình chuyển hóa rượu (Ảnh: Internet)
3. Câu hỏi thường gặp
- Truyền oresol có giúp giải rượu nhanh hơn không?
Với câu hỏi truyền điện giải để giải rượu có được không thì câu trả lời là không. Việc truyền điện giải khi cơ thể "đã có đủ" khiến tăng gánh nặng cho tim, tăng rủi ro vỡ mạch máu nhỏ chẳng hạn như mạch máu mắt, mạch máu não và thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng.
- Uống trà gừng có giúp giảm nồng độ cồn trong máu?
Thực tế trà gừng mặc dù có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, đặc biệt với người bị say xỉn sau khi uống rượu nhờ khả năng giảm cảm giác nôn nao, khó chịu ở dạ dày cũng như giúp người uống tỉnh táo hơn. Nhưng trà gừng không có tác dụng giúp giảm nhanh nồng độ cồn trong máu mà chỉ giúp bạn giảm bớt hơi thở đang đầy mùi rượu bia.
Ngoài trà gừng giúp giảm mùi rượu trong hơi thở thì người uống rượu bia cũng có thể uống nước chanh tươi, nhai kẹo cao su, xịt thơm miệng, nhai một vài lá bạc hà, đánh răng hoặc dùng nước súc miệng nếu muốn giảm bớt mùi cồn nhanh chóng.
- Dùng caffeine để làm mất tác dụng của rượu?
Quan niệm này cũng hoàn toàn sai lầm. Caffeine có thể khiến bạn tỉnh táo hơn nhưng không giúp làm giảm nồng độ cồn trong máu của bạn hay giảm thời gian cơ thể phản ứng với cồn trong rượu bia.
- Ăn nhiều hơn giúp giảm nồng độ cồn trong máu?
Mặc dù việc không để bụng rỗng khi uống rượu bia có thể giúp giảm kích ứng tới niêm mạc ruột và dạ dày cũng như giúp làm chậm quá trình hấp thụ cồn từ rượu bia nhưng ăn nhiều hơn không có tác dụng giúp bạn giảm nồng độ cồn trong máu nhanh hơn.
Nhìn chung, không có cách nào giúp bạn giảm nồng độ cồn trong máu nhanh chóng bằng việc uống ít rượu bia hơn. Uống rượu bia thường xuyên và quá nhiều có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe cả hiện tại và lâu dài. Uống ít rượu bia và uống đúng cách cũng giúp giảm nguy cơ ngộ độc rượu - vấn đề phổ biến mỗi dịp Tết đến xuân về.
Nguồn: Tổng hợp