Theo Trung tâm Ung thư Toàn diện Sidney Kimmel tại Đại học Johns Hopkins (Johns Hopkins Kimmel Cancer Center) cho biết, có khoảng 40% trường hợp mắc ung thư vú được chẩn đoán thông qua những khối u bất thường xuất hiện ở khu vực "núi đôi" của phái nữ. Điều này đồng nghĩa là việc tự kiểm tra thường xuyên là rất quan trọng.
Nếu chưa biết cách kiểm tra những dấu hiệu bất thường xoay quanh vòng 1 của mình, phái nữ hãy tìm hiểu ngay thông tin qua bài viết này nhé!
Khi nào kiểm tra?
Các xét nghiệm sàng lọc lâm sàng gọi là chụp nhũ ảnh nên được thực hiện hàng năm tại bệnh viện, nhất là phụ nữ từ 40 tuổi trở lên. Nhưng bất kỳ cô gái nào đã bước qua tuổi trưởng thành cũng nên tự hình thành thói quen kiểm tra tại nhà ít nhất một lần mỗi tháng để tầm soát mọi nguy cơ xấu có thể xảy ra.
Thời gian tốt nhất để làm điều này là khoảng 3 - 5 ngày sau khi kỳ kinh nguyệt bắt đầu. Chỉ cần đảm bảo rằng bạn làm điều này mỗi tháng 1 lần là có thể tự phát hiện được rất nhiều vấn đề trên cơ thể của mình.
Việc kiểm tra nên được thực hiện khi bạn đứng trước gương để có thể thấy rõ những điểm bất thường trên vùng ngực. Nó cũng nên được thực hiện cả khi bạn nằm trên giường. Nhiều cô nàng nhận thấy rằng, cách dễ dàng nhất để cảm nhận ngực của họ là khi phần da trở nên ẩm ướt, trơn trượt.
Làm thế nào để kiểm tra?
Bạn có thể tìm kiếm những dấu hiệu khác thường cần tới bác sĩ trợ giúp, bằng cách:
1. Ép nhẹ cánh tay của bạn vào hai bên trong tư thế thư giãn.
2. Đưa cả hai cánh tay lên trên đầu.
3. Chống hai tay lên vùng hông.
4. Véo nhẹ vào đầu ngực xem có dịch tiết ra bất thường hay không.
Ngoài việc nhìn, bạn cũng nên cảm nhận xem có gì lạ mà mình không thể nhìn thấy. Hãy dùng tay phải để sờ ngực trái và làm ngược lại. Bạn có thể chạy các ngón tay của mình theo 3 hướng sau:
1. Từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên.
2. Trong một chuyển động tròn.
3. Từ bên này sang bên kia.
7 dấu hiệu cho thấy bạn có thể phải tới gặp bác sĩ để kiểm tra
Dưới đây là những điều bạn cần lưu ý khi kiểm tra núm vú:
1. Đi khám nếu có bất kỳ chất lỏng hoặc máu chảy ra với màu trắng đục hoặc vàng.
2. Đi khám nếu hình dạng núm vú trở nên bất thường.
3. Đi khám nếu vị trí của đầu ngực đã thay đổi hoặc nó bị đẩy vào trong thay vì thò ra ngoài.
4. Đi khám nếu có phát ban, mẩn đỏ hoặc sưng tấy.
Cũng có thể có các dấu hiệu trên những bộ phận khác của vú, chẳng hạn như:
5. Các cục u nổi lên trên bất kỳ phần nào của ngực.
6. Da ngực bị lõm hoặc nhăn nheo.
7. Có vết đỏ, lở loét, phát ban hoặc sưng tấy trên da.
Hãy bình tĩnh và đến gặp bác sĩ!
Hãy nhớ rằng, điều quan trọng là đừng hoảng sợ nếu bạn phát hiện ra bất cứ điều gì khác thường, bởi có 60 - 80% khối u ở vú không hề có hại. Nhưng bạn vẫn nên gặp bác sĩ để được chẩn đoán kỹ và kịp thời phòng ngừa mọi nguy cơ xấu.
Nguồn và ảnh: Brightside, Hopkinsmedicine, Medlineplus, Webmd