Dùng chung đơn thuốc
Các chuyên gia về đái tháo đường cho biết người dân vẫn còn chưa hiểu về bệnh và còn có nhiều quan niệm sai lầm về bệnh dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Ví dụ trường hợp của ông N. M. H. 57 tuổi quê Lâm Thao, Phú Thọ là điển hình. Do người mệt mỏi, háo nước nên ông H. đi kiểm tra sức khỏe. Kết quả kiểm tra, bác sĩ phát hiện đường huyết lúc đói của ông H. lên tới 13mmol/l và chẩn đoán đái tháo đường tuyp 2. Bác sĩ kê đơn thuốc điều trị khoảng 1 tháng. Sau 1 tháng, ông H. ra nhà thuốc gần nhà nhờ kiểm tra đường huyết nhưng vẫn chưa xuống.
Vì sợ xuống viện kiểm tra tốn kém nên ông H. đã lấy luôn đơn thuốc của một người quen và sử dụng. Hậu quả, sau khi uống thuốc 1 thời gian, ông H. bị biến chứng tăng đường huyết nặng vì sai thuốc và quan niệm người tiểu đường giống nhau dùng chung đơn thuốc được.
Hay trường hợp bà Lại Thị N. 67 tuổi, Thái Bình. Bà N. bị đái tháo đường tuyp 2 phát hiện được 7 tháng trước. Sau khi điều trị đường huyết ổn định, bà N. nghĩ bệnh đã khỏi nên không kiêng khem và ăn uống như bình thường. Kết quả, bà N. phải nhập viện vì đường huyết tăng 'chót vót' lên tới 18 mmol/l lúc đói.
Đái tháo được căn bệnh gần 4 triệu người Việt mắc
Ông Đỗ Anh T. 56 tuổi, Hà Nội cũng nghĩ đái tháo đường là bệnh bình thường và lúc nào nhớ thì uống thuốc, quên thì thôi. Có những lúc tham công tiếc việc ông đi công tác và quên không mang thuốc. Hậu quả, đái tháo đường biến chứng phá vỡ hết cơ quan nội tạng. Khi nhập viện cấp cứu, đường huyết trong máu lên tới 23 mmol/l. Sau gần 3 tháng kiên trì điều trị biến chứng đái tháo đường, nhưng ông T. đã không qua khỏi.
Bệnh không thể chữa khỏi
Theo Ths.Bs.Châu Hoàng Sinh - Khoa Nội Tiết- Bệnh viện quận Thủ Đức, đái tháo đường là rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.
Bác sĩ Sinh cho biết hầu như ngày nào ông cũng gặp các bệnh nhân với những câu hỏi và hiểu biết về bệnh chưa tốt. Ví dụ có trường hợp điều trị bệnh tiểu đường nhiều năm, đường huyết thường xuyên cao, bác sĩ tư vấn các biện pháp kiểm soát đường huyết tốt hơn nhưng bệnh nhân tỏ thái độ “tui thấy khỏe, bác sĩ cứ cho thuốc uống là được”.
Hay có bệnh nhân bị đái tháo đường type 2 đã 3 năm, chích insulin. Đi tái khám, bác sĩ tư vấn uống thuốc, bệnh nhân nhất quyết từ chối. Bệnh nhân khẳng định: “tiểu đường là do thiếu Insulin, chỉ cần chích Insulin là đủ” nên không chịu theo tư vấn của bác sĩ.
Theo bác sĩ Sinh, đái tháo đường cần phải nhớ đây là bệnh suốt đời, cần phải kiểm soát bệnh chứ không khỏi hẳn. Việc chữa khỏi đái tháo đường là không có và không có thuốc nào điều trị hết được bệnh đái tháo đường nên người bệnh cần hiểu và tuân thủ tư vấn và điều trị của bác sĩ.
BS Sinh cho biết có rất nhiều bệnh nhân tiểu đường khi điều trị ổn định được bác sĩ cho ngưng thuốc nhưng nghĩ mình hết bệnh là không đúng. Khi bệnh nhân ăn uống nhiều, sẽ gây tăng đường huyết và biến chứng. Đây là trường hợp thường gặp. Vì vậy, ngưng thuốc không có nghĩa là ngưng thực hiện đúng chế độ ăn uống, vận động.
Nếu bệnh nhân kiểm soát kém hay không kiểm soát đường huyết sẽ gây tăng đường huyết kéo dài và gây ra các biến chứng. Có bệnh nhân điều trị thấy khỏe (mặc dù đường huyết vẫn cao), dẫn đến chủ quan, ít quan tâm sức khỏe hơn, lâu ngày sẽ có biến chứng.
Vậy, quan trọng là chúng ta cần kiểm soát tốt đường huyết sẽ giảm biến chứng do tiểu đường gây ra. Theo số liệu từ hiệp hội đái tháo đường thế giới (IDF), 70% biến chứng đái tháo đường có thể phòng ngừa được nếu kiểm soát được đường huyết. Nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, nếu chúng ta kiểm soát đường huyết càng sớm ngay khi chẩn đoán sẽ giảm được nhiều biến chứng.