Cảnh báo đột quỵ
Thạc sĩ Trần Quốc Khánh – BV Hữu Nghị Việt Đức chia sẻ một trường hợp hy hữu xảy ra tại BV Việt Đức, một người cha từ Hà Tĩnh ra bệnh viện chăm con bị tai nạn đang điều trị. Người cha bất ngờ bị một cơn đột quỵ và dù xảy ra ngay trong bệnh viện, các nhân viên y tế có mặt vài giây sau đó, ca mổ cấp cứu cũng tiến hành sớm nhất có thể, nhưng vì xuất huyết quá nặng, người bệnh đã không thể qua khỏi.
Đột quỵ là căn bệnh gây tử vong hàng đầu, gia tăng vào mùa nắng nóng. Ảnh minh họa
Đến nay, đột quỵ não được xem là căn bệnh gây tử vong và tàn phế hàng đầu. Tại Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, trong đó có đến 50% số ca đột quỵ diễn biến xấu đi và tử vong. Tuy nhiên nhiều người chưa biết rằng, đột quỵ là bệnh có thể cấp cứu, “thời gian vàng” để xử trí đột quỵ trong vòng 3-4 giờ đầu, bệnh nhân đột quỵ cần phải nhập viện càng sớm càng tốt để được đánh giá nhanh và điều trị kịp thời.
BS Phạm Như Ngọc - Khoa Hồi Sức Tim Mạch, BV Thủ Đức cho biết, đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu tới não bộ bị ngưng hoặc giảm đột ngột dẫn đến các tế bào não bị thiếu oxy, dưỡng chất và sẽ chết dần theo từng phút.
Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 13.4 triệu người bị đột quỵ, cứ 4 người trên 25 tuổi sẽ có 1 người bị đột quỵ một lần trong đời, và có khoảng 5.5 triệu người tử vong vì đột quỵ. Khoảng 60% đột quỵ xảy ra ở người trên 70 tuổi.
Theo bác sĩ Ngọc có 2 nguyên nhân dẫn đến đột quỵ là tắc nghẽn mạch máu (nhồi máu não) và vỡ mạch máu (xuất huyết não):
Đối với bệnh lý nhồi máu não: là loại đột quỵ thường gặp nhất. Nhồi máu não xảy ra khi mạch máu não bị hẹp hoặc tắc nghẽn, làm cho não bị thiếu máu nuôi đột ngột. Mạch máu não có thể bị hẹp hoặc tắc nghẽn do mảng xơ vữa hoặc do cục máu đông.
Xuất huyết não xảy ra do mạch máu não bị vỡ đột ngột. Mạch máu vỡ có thể do tăng huyết áp không kiểm soát được, có một hoặc vài điểm yếu trên mạch máu (phình mạch máu), chấn thương, mạch máu bị tổn thương sau nhồi máu não…
Yếu tố nguy cơ có thể gây ra cơn nhồi máu não như: Lối sống, bệnh đi kèm. Những người bị thừa cân, béo phì, lười vận động, nghiện rượu, bia, hút thuốc lá,…
Người bị bệnh tăng huyết áp, mỡ máu cao, đái tháo đường, hội chứng ngưng thở khi ngủ, rối loạn nhịp tim (rung nhĩ), tiền căn bản thân và gia đình từng bị đột quỵ hoặc thiếu máu não thoáng qua,…
Ngoài ra, yếu tố nguy cơ khác: tuổi tác (từ 55 tuổi trở lên), giới tính (nam giới nguy cơ cao hơn nữ giới).
Dấu hiệu nhận biết đột quỵ
Để nhận biết một người bị đột quỵ, cần chú ý 4 dấu hiệu sau (gọi tắt là F.A.S.T):
- F (viết tắt của từ FACE - mặt): méo miệng, nhìn rõ khi bệnh nhân nhe răng hoặc cười.
- A (viết tắt của từ ARM - cánh tay): yếu liệt tay chân 1 bên, bệnh nhân không thể giơ tay chân 1 bên được.
- S (viết tắt của từ SPEECH - lời nói): bệnh nhân không thể nói, nói khó, hoặc giọng nói bất thường.
- T (viết tắt của từ TIME - thời gian): khi gặp bệnh nhân có các dấu hiệu trên phải lập tức gọi ngay đến các Trung tâm Đột quỵ gần nhất.