Loại vitamin dễ tìm trong thức ăn và xứ nóng là khắc tinh của Covid-19?

Nghiên cứu mới của Anh cho thấy mức độ vitamin D dồi dào chính là thứ có thể giảm tỉ lệ tử vong do Covid-19.

  

Công trình dẫn đầu bởi tiến sĩ Lee Smith từ Đại học Angila Ruskin và bác sĩ Petre Cristian Ilie từ Bệnh viện Queen Elizabeth - King's Lynn NHS Foundation Trust (Anh) cho thấy vitamin D có thể điều chỉnh phản ứng của các tế bào bạch cầu, ngăn chặn chúng giải phóng quá nhiều cytokine gây viêm. "Cơn bão" cytokine chính là một trong những biến chứng đáng sợ nhất trong bệnh Covid-19, chính là vấn đề mà bệnh nhân nặng nhất của Việt Nam – phi công người Anh số 91 - mắc phải.

Ở các quốc gia châu Âu bao gồm Anh, biến chứng "cơn bão" cytokine góp phần không nhỏ trong các ca tử vong, mà theo nghiên cứu mới này, có sự góp phần không nhỏ của sự thiếu hụt vitamin D.

Loại vitamin dễ tìm trong thức ăn và xứ nóng là khắc tinh của Covid-19? - 1

Vitamin D có thể được tổng hợp khi phơi nắng, hoặc bổ sung qua thức ăn và thuốc - ảnh minh họa từ internet

Ở Ý và Tây Ban Nha, 2 quốc gia có tỉ lệ tử vong do Covid-19 cao, cũng là 2 nước có mức vitamin D trung bình thấp hơn so với hầu hết các nước Bắc Âu, nguyên nhân chủ yếu là thói quen tránh ánh nắng mặt trời mạnh và thói quen ăn uống, đặc biệt là ở người lớn tuổi.

Theo tiến sĩ Lee Smith, họ đã thực hiện khảo sát dịch tễ học và tìm ra mối liên hệ tỉ lệ nghịch giữa lượng vitamin D trung bình và số ca mắc/tử vong do Covid-19 trên người dân ở 20 quốc gia châu Âu. Đây không phải là lần đầu tiên vitamin D chứng minh được tác dụng tốt đối với các bệnh đường hô hấp. Từng có nhiều nghiên cứu cho thấy bổ sung vitamin D tốt cho việc phòng ngừa các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp nói chung.

Được mệnh danh là "vitamin mặt trời", nguồn vitamin D tốt nhất chính là ánh nắng, do vậy ở những quốc gia có mùa đông quá dài có thể bị thiếu hụt loại vitamin quan trọng này. Ngoài ra, vitamin D còn có thể được bổ sung qua thực phẩm (các loại cá dầu, gan động vật đặc biệt là gan bò, lòng đỏ trứng…) hoặc qua viên uống bổ sung.

Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Aging Clinical and Experimental Research.