Tại Việt Nam, tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 chỉ sau bệnh lý tim mạch và ung thư.
Hiện nước ta đang có khoảng 3,5 triệu người chung sống với căn bệnh này, trong đó mỗi năm có 29.000 người tử vong do các nguyên nhân có liên quan đến đái tháo đường như tim mạch, thần kinh, thận, mạch máu, mắt…
Thèm ăn là một trong những dấu hiệu ban đầu của bệnh tiểu đường. (Ảnh minh họa)
Tại Việt Nam, vào năm 2015 đã có 3,5 triệu người mắc bệnh theo báo cáo của Hiệp hội đái tháo đường thế giới. Con số này được dự báo sẽ tăng lên 6,1 triệu vào năm 2040. Theo kết quả điều tra năm 2015 của Bộ Y tế, 68,9% người tăng đường huyết chưa được phát hiện.
Bệnh tiểu đường gồm type 1 và type 2, trong đó type 2 (chiếm 90%) là thể phụ thuộc insulin, phải điều trị suốt đời. Trước đây, tiểu đường type 2 chủ yếu gặp ở người trên 40 tuổi, song nhiều năm trở lại đây, bệnh có xu hướng trẻ hoá rất nhanh, rất nhiều trẻ em 9-10 tuổi hoặc 13-14 tuổi đã mắc bệnh này.
Các dấu hiệu điển hình của tăng đường huyết là: Khát và uống nhiều, tiểu nhiều, mau đói, thèm ăn, ăn nhiều nhưng sụt cân nhanh, mệt mỏi, uể oải toàn thân, hoa mắt, chóng mặt...
Bên cạnh đó, nghiên cứu mới nhất của Bệnh viện Nội tiết Trung ương trên 2.810 trẻ em lứa tuổi từ 11-14 tuổi trên toàn quốc cho thấy nguy cơ tiềm ẩn của bệnh đái tháo đường. Có 178 trẻ (6.2%) mắc rối loạn glucose máu, trong đó lứa tuổi trẻ nhất (11 tuổi) có tỷ lệ mắc cao nhất (8,1%); trong khi ở nhóm tuổi lớn hơn có rối loạn glucose máu thấp hơn. Tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ là 27.8%, trong đó thừa cân là 17,9% và béo phì là 9,9%.
Do vậy, chuyên gia khuyến cáo cần có những biện pháp kịp thời và toàn diện từ phía gia đình, nhà trường, xã hội cũng như bản thân trẻ em để xây dựng được lối sống lành mạnh, phòng tránh các bệnh béo phì, tim mạch, đái tháo đường,...,nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nếu có bất cứ dấu hiệu nào nghi ngờ, nên đến bệnh viện khám ngay để được kiểm tra lượng đường trong máu.