BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, BV vừa tiếp nhận trường hợp mua thuốc trên mạng chữa viêm gan B.
Bệnh nhân là anh T.T.C, 40 tuổi, Bắc Giang được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) trong tình trạng lơ mơ, vàng da, vàng mắt và không đi tiểu được.
Bệnh nhân nguy kịch do mua thuốc nam trên mạng chữa viêm gan B.
Kể từ khi phát hiện bệnh, anh vẫn đều đặn uống thuốc kháng virus do bác sĩ kê đơn. Tuy nhiên, anh C. nghe lời đồn thổi về bài thuốc nam chữa khỏi hoàn toàn bệnh viêm gan B, anh C. đặt mua trên mạng về sử dụng. Chỉ một thời gian ngắn sau, anh C. bị hôn mê, phải thở máy. Hiện tại tình trạng của bệnh nhân rất nặng, phải thở máy và tiên lượng khó khăn.
Các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị ngộ độc do thuốc nam gây ra.
Trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận một bệnh nhân bị viêm gan B mạn tính suốt 20 năm nhưng vẫn sống khỏe mạnh do điều trị thuốc kháng virus viêm gan. Do anh H. chán nản vì phải sống chung với thuốc suốt đời nên anh tự ý bỏ điều trị, dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc.
Sau 2 tháng uống thuốc nam, anh H. thấy người mệt mỏi dần, chán ăn, vàng da vàng mắt, tri giác lơ mơ. Vào viện trong tình trạng suy gan nặng, đã được điều trị tích cực nhưng tình trạng suy gan không hồi phục và gia đình đành xin bệnh nhân về để chết.
Theo BS.Nguyễn Trung Cấp, những người bệnh nghe theo cách chữa truyền miệng uống loại thuốc này thuốc kia, tự ý bỏ điều trị của bác sĩ như trên không phải là hiếm gặp. Nhiều người may mắn hơn không mất mạng thì cũng phải lại nhập viện trong tình trạng nặng, điều trị khó khăn, tốn kém.
Bác sĩ Cấp khuyến cáo người dân không nên nghe theo những bài thuốc truyền miệng. Khi có bệnh, cần đi khám và điều trị theo đúng phác đồ, đúng thuốc, tránh tự ý bỏ điều trị, bệnh không khỏi mà còn nặng hơn, thậm chí là mất mạng.
“Với người nhiễm virus viêm gan B và C mạn tính, người bệnh phải uống thuốc kháng virus đều đặn nhằm ức chế sự nhân lên của virus, hạn chế các biến chứng của bệnh”, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo.