Hillary Zinks không biết điều gì đã gây ra cơn đau trên mông của mình trong nhiều tuần, thậm chí mẹ cô dù đã kiểm tra rồi nhưng cũng không thấy có gì đặc biệt. Cho đến khi Zinks đi khám, cô mới biết mình bị áp xe ở mông. Và cô còn ngạc nhiên hơn khi nghe bác sĩ giải thích nguyên nhân do chính chiếc quần lót của cô gây ra. Và trong khi điều trị, bác sĩ nói thêm "rất may là cô đã đến khám kịp thời chứ để chậm có khi nó còn giết chết bạn".
Sự thật là chiếc quần lót của Zinks đã gây ra một vết xước nhỏ trên mông của cô, và điều này đã trở nên nghiêm trọng.
Chia sẻ trên Buzzfeed, Zinks kể: "Một ngày nọ, tôi đi ra khỏi thị trấn và nhận thấy mông của mình bắt đầu đau. Tôi không biết tại sao. Trên chuyến bay về nhà, tôi thậm chí không thể ngồi thẳng, tôi liên tục di chuyển như thể tôi bị trĩ hay gì đó". Sau này, khi đã biết nguyên nhân là do chiếc quần lọt khe mình vẫn hay mặc, cô mới nhớ ra rằng "chiếc quần đó quá chật đối với tôi và lúc đó tôi đã kéo nó hơi mạnh tay. Tôi cũng cảm thấy đau nhói ngay lúc đó nhưng cơn đau gần như biến mất ngay lập tức nên tôi cũng không nghĩ gì".
Qua câu chuyện của mình, Hillary Zinks muốn mọi người ghi nhớ một điều rằng "khi bạn có những triệu chứng lạ và bạn không biết chúng bắt đầu như thế nào, thì tốt hơn hết là bạn nên đi khám".
Theo bác sĩ da liễu Angelo Landriscina, áp xe là một bệnh nhiễm trùng trên da, thường gặp nhất là do vi khuẩn gây ra. "Đặc điểm cơ bản để phân biệt áp xe với các bệnh nhiễm trùng da khác là chúng có mủ ở các mô xung quanh. Áp xe có thể dẫn đến viêm rất nặng với các biểu hiện đỏ, nóng, sưng và đau tại chỗ", tiến sĩ Landriscina nói với tạp chí Health.
Mặc dù một chiếc quần chip chưa chắc đã là thủ phạm trực tiếp gây áp xe nhưng trong quá trình cọ xát với da nó hoàn toàn có thể gây ra một vết xước nhỏ trên da nếu nó quá chật. Vết xước này sau đó có thể bị nhiễm trùng. Với những người bị tiểu đường, hoặc mắc các bệnh suy giảm hệ thống miễn dịch thì những vết xước, tiêm hoặc xăm có nguy cơ viêm hoặc nhiễm trùng cao hơn những người khác.
"Các chủng tụ cầu vàng, bao gồm MRSA, là nguyên nhân phổ biến của áp xe. Loại vi khuẩn này cũng có thể truyền từ người sang người. Nhưng đối với nhiều người, không thể xác định được yếu tố kích thích hình thành áp xe", tiến sĩ Landriscina cho biết thêm.
Mặc dù áp xe do quần chip gây ra có thể không phổ biến, nhưng mọi người cần nhớ rằng vùng bẹn, hậu môn, trực tràng là những vị trí áp xe khá điển hình. Tiến sĩ Landriscina giải thích: "Khu vực này ấm và ẩm ướt nên khiến vi khuẩn dễ dàng phát triển". Một số áp xe tự tiêu hoặc tự khỏi, trong khi những áp xe khác cần được xử lý y tế.
Quần lọt khe có hình dạng rất nhỏ, khi mặc khiến cho khu vực vùng kín chịu nhiều ma sát do tiếp xúc với bề mặt quần, váy mặc ngoài với chất liệu thô ráp hoặc có chứa nhiều vi khuẩn từ bên ngoài, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe vùng kín.
Thêm vào đó, dây nối từ phía sau tới đáy quần ẩn chứa mối nguy hại rất đáng sợ. Phần dây gợi cảm này có thể cọ sát vào hậu môn trong quá trình ngồi làm việc, lái xe, ngay cả khi làm "chuyện ấy" mà thực hiện động tác kéo dây lên xuống… có thể dẫn vi khuẩn từ hậu môn lên khu vực vùng kín, dẫn đến viêm nhiễm âm đạo, trong đó dễ gặp nhất là viêm đường tiết niệu.
Nếu cứ tiếp tục lạm dụng loại quần mỏng manh này, viêm nhiễm thường xuyên ở vùng kín, nguy cơ tái nhiễm rất khó tránh. Viêm nhiễm lâu dài khó tránh khỏi nguy cơ hiếm muộn, vô sinh. Chưa kể, thiết kế mỏng manh, khi mặc tạo nên hiện tượng ma sát trên da còn làm da vùng bikini bị trầy xước, viêm nhiễm ngoài da.
Mặc dù đây cũng là phụ kiện của chị em phụ nữ nhưng theo các chuyên gia sức khỏe, chị em nên cân nhắc và sử dụng nó tùy từng thời điểm phù hợp, nên chọn loại vừa với mình, tránh mặc quá chật sẽ dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Theo Health