Theo TS. BS. Nghiêm Nguyệt Thu – Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mỗi dịp Tết đến xuân về, ngày Tết, nếu không để ý những bữa tiệc liên miên có thể làm chế độ ăn trở nên mất cân đối, lượng chất đạm, chất béo, bột đường, bia rượu quá nhiều trong khi rau, quả xanh lại ít. Đó là nguyên nhân bùng phát các đợt cấp của những bệnh mạn tính không lây như bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp.
Chế độ ăn ngày Tết cho bệnh nhân đái tháo đường
Trong những ngày Tết, đường máu có thể kiểm soát kém hơn do ăn không đúng giờ và không ổn định, không phù hợp với liều thuốc thường ngày.
Do vậy, người mắc đái tháo đường cần duy trì một chế độ ăn điều độ, đúng giờ, bữa ăn không nên chênh lệch nhiều với lượng thức ăn hằng ngày, tránh ăn quá nhiều hoặc quá ít.
Những món ăn ngày Tết như bánh chưng, xôi là những món ăn chứa nhiều chất bột đường, vẫn có thể được phép ăn nhưng khi ăn một miếng bánh chưng thì sẽ không ăn lưng bát con cơm tẻ như mọi bữa, hoặc nếu muốn ăn chút xôi thì không ăn thêm bánh chưng hay cơm để duy trì được một chế độ ăn ổn định lượng bột đường.
Ở một số địa phương, có thể ăn bánh chưng cùng chè kho nên người bệnh tiểu đường cần lưu ý chỉ nên ăn rất ít chè kho vì món ăn này nấu từ đường mật, đường máu sẽ tăng nhanh.
(Ảnh minh họa).
Trong các bữa ăn nhớ nên ăn rau xanh, bữa ăn vừa cân đối dinh dưỡng, lại giúp hạn chế đường máu tăng nhanh sau bữa ăn.
Quả chín nên ăn điều độ với số lượng vừa phải, 2 lần mỗi ngày, mỗi lần 1 quả cam, hoặc vài 3 múi bưởi.
Đi chúc Tết, thường sẽ được mời chén trà, mứt, bánh, kẹo, socola, quả khô (nho, hồng khô), cần hạn chế những loại thực phẩm này, vì chứa nhiều chất đường hấp thu nhanh. Nên hạn chế rượu vì rượu có thể gây hạ đường huyết trên bệnh nhân đang điều trị với thuốc hạ đường huyết
Không nên quên sinh hoạt điều độ, nhớ uống thuốc đầy đủ, đúng liều.
Chế độ ăn ngày Tết cho bệnh nhân tăng huyết áp
Điều đáng chú ý nhất trong chế độ ăn của người bệnh nhân tăng huyết áp là chế độ ăn giảm muối.
Có nhiều loại gia vị chứa muối như muối ăn, nước mắm, bột gia vị, hạt nêm. Vì vậy, nên giảm độ mặn khi nấu thức ăn, tránh sử dụng nhiều loại gia vị chứa muối, khi chấm món ăn cũng nên chấm nhẹ tay tránh cho món ăn trở nên quá mặn.
Dưa muối, hành muối là món ăn truyền thống, làm giảm độ ngán khi ăn nhiều món ăn giàu chất đạm, chất béo, tuy nhiên ở người tăng huyết áp nên hạn chế những món ăn này.
Những món ăn chế biến sẵn như giò, chả, thịt hun khói, xúc xích cũng đều chứa sẵn muối, do vậy hạn chế chấm nước mắm khi ăn… Nên tăng cường rau và quả chín trong mỗi bữa ăn.
Rượu, bia cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tim mạch và huyết áp. Do vậy, để đảm bảo sức khỏe, người bệnh tăng huyết áp cũng nên hạn chế những đồ uống có cồn.