Sáng 25/2, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến Triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với 63 tỉnh, thành phố tại hơn 700 điểm cầu.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh do virus Corona cho rằng, công tác chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc” đến thời điểm này đã đạt được kết quả đáng mừng, đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
Theo ông Đam, Việt Nam đã chủ động, thực hiện công việc cần thiết từ rất sớm. Năm nay, nhiều bác sỹ không có Tết ông Công, ông Táo, không có Tết Nguyên đán. Ngày 25/1/2020 (tức ngay sau Giao thừa), Việt Nam thực hiện khai báo y tế bắt buộc và là quốc gia đầu tiên thực hiện khai báo y tế bắt buộc. Việt Nam thực hiện mức cao hơn mức cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Theo ông Đam, Bộ Y tế đã xây dựng 4 kịch bản phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó kịch bản mức độ cao nhất là Việt Nam có 1.000 - 3.000 người nhiễm. Tuy nhiên, trước sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế đã lường đến cả những tình huống có thể nhiều người nhiễm bệnh hơn, đó là kịch bản có 30.000 người nhiễm.
Phó Thủ tướng cho biết, Tổ chức Y tế thế giới nói rằng Việt Nam nâng mức cảnh báo cao hơn mức của WHO là hết sức đúng đắn.
Bộ Y tế họp công tác phòng, chống dịch sáng 25/2
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Việt Nam nằm trong nhóm nước có nguy cơ cao nhất lây nhiễm, nhưng đến nay chỉ có 16 ca dương tính. Bệnh nhân cuối cùng đã cho kết quả âm tính lần 2. Đến giờ phút này có thể nói 16 bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Việt Nam đã khỏi hoàn toàn.
“Với tất cả sự khiêm tốn và cầu thị, Việt Nam đã kiểm soát tốt được dịch bệnh” – Trưởng Ban chỉ đạo đánh giá.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, Hàn Quốc là quốc gia có hệ thống chăm sóc y tế thuộc nhóm tốt nhất thế giới, tuy nhiên số người mắc Covid-19 tại nước này đang tăng cao. Từ bài học của Hàn Quốc, ông Đam đề nghị chính quyền các cấp không chủ quan, lơi lỏng.
“Cuộc chống dịch như một cuộc chiến, đến giờ phút này đã thắng chiến dịch mở màn đầu tiên nhưng chưa thắng cả cuộc chiến. Tình hình còn thay đổi rất khó lường, chúng ta không được chủ quan, không được phút nào lơi lỏng” – Phó Thủ tướng đề nghị.
Đến nay dịch bệnh Covid-19 đã xuất hiện tại 37 quốc gia và vùng lãnh thổ, ông Đam yêu cầu thời gian tới các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ những người đến từ vùng dịch. Nếu có người đến từ vùng dịch phải cách ly để tránh lây lan.
“Mặc dù có nhiều khó khăn trong cách ly du khách, nhưng đây là trách nhiệm vì cộng đồng. Chúng ta mềm dẻo nhưng làm kiên quyết. Như trường hợp ở Vĩnh Phúc, từ 1 người lây ra 5 người khác. Nếu Bộ Y tế không kiên quyết cách ly xã Sơn Lôi sẽ không biết tình huống gì sẽ xảy ra. Nếu chúng ta lơi lỏng, hệ quả rất xấu và hậu quả vô cùng khôn lường” – Phó Thủ tướng yêu cầu.
Nói về quyết định cách ly xã Sơn Lôi, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, đồng thời là Tổ trưởng Tổ công tác của Ban chỉ đạo quốc gia về dịch Covid-19 cắm chốt tại xã Sơn Lôi cho biết, việc tổ chức khoanh vùng, cách ly toàn bộ xã Sơn Lôi là dũng cảm và trách nhiệm với cả nước.
Theo ông Dương, thời điểm cách đây 2 tuần, Sơn Lôi là điểm “nóng” về dịch Covid-19 của Việt Nam. Chỉ trong một thời gian ngắn xã Sơn Lôi ghi nhận 6 trường hợp mắc mới Covid-19 và nguy hiểm hơn dịch đã có biểu hiện lây lan trong cộng đồng. Đây là địa phương đầu tiên ghi nhận sự lây nhiễm trong hộ gia đình sau đó thì lây lan sang họ hàng và cuối cùng là lây lan sang hàng xóm. Yêu cầu cấp thiết lúc đó là phải khoanh vùng cách ly toàn bộ xã.
Mục đích của việc cách ly cả một vùng dịch chính là để khoanh vùng, cô lập toàn bộ vùng dịch, dập dịch triệt để không để nguồn bệnh có thể thoát ra ngoài và không để lây lan sang các địa phương khác.
Dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng tại xã Sơn Lôi uy hiếp rất lớn, nếu không kịp thời ngăn chặn có thể gây bùng phát trên diện rộng do sự di chuyển, giao lưu của người từ vùng có dịch ra bên ngoài là rất phức tạp không kiểm soát được.