Các cặp vợ chồng kết hôn đã lâu mà không có con thông thường nguyên nhân chủ yếu liên quan tới chức năng sinh sản. Tuy nhiên, bác sĩ phẫu thuật đầu và cổ người Đài Loan (Trung Quốc) Wu Zhaokuan cho biết đã gặp một cặp đôi không có con nhưng nguyên nhân lại hoàn toàn khác biệt.
Chia sẻ trong chương trình y tế "Doctor is Hot", bác sĩ Wu Zhaokuan cho biết có một cặp vợ chồng đã gần 40 tuổi nhưng mãi không có con. Để sớm được trở thành bố mẹ, người vợ luôn tranh thủ cơ hội để quan hệ tình dục nhưng cô trách người chồng thể lực kém, chẳng lần nào làm xong chuyện, lúc nào cũng kêu chóng mặt, buồn nôn.
Người chồng cứ quan hệ với vợ lại chóng mặt hoặc nôn mửa không rõ lý do. (Ảnh minh họa)
Đỉnh điểm có lần khi cả hai đang ân ái mặn nồng, đột nhiên người chồng nôn mửa khắp giường và liên tục kêu buồn nôn khiến người vợ cảm thấy hãi hùng. Có lúc hai vợ chồng nằm cạnh nhau, người chồng vừa quay sang bên để ôm vợ đã lại dâng trào cơn buồn nôn. Điều này khiến người chồng cảm thấy sợ hãi mỗi khi lên giường còn người vợ thì cho rằng chồng chán ghét mình tới mức nhìn thấy vợ là muốn nôn nên tình cảm của cả hai cũng dần rạn nứt.
Vì không muốn hôn nhân tan vỡ nên hai vợ chồng đã đi khám. Bác sĩ Wu Zhaokuan sau khi nghe cả hai trình bày liền hiểu ngay nguyên nhân có liên quan tới sỏi tai. Bác sĩ giải thích trong tai mỗi người có các tinh thể nhỏ gọi là sỏi tai. Các sỏi tai này có vai trò quan trọng nếu như ở đúng vị trí. Khi các sỏi tai này không ở vị trí ban đầu mà di chuyển vào các vị trí khác như di chuyển vào ống bán khuyên thì sẽ gây nên chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn.
Do đó, bác sĩ đã đề nghị hai vợ chồng thử thay đổi tư thế quan hệ vài lần để tìm ra tư thế thoải mái nhất giúp người chồng không gặp vấn đề nữa.
Bác sĩ Wu Zhaokuan cho biết người chồng bị sỏi tai lạc vị nên mới dẫn tới buồn nôn, choáng váng.
Bác sĩ Wu Zhaokuan cho biết có nhiều nguyên nhân khiến sỏi tai đi lạc chỗ chẳng hạn như mệt mỏi quá mức, chấn thương đầu, tập thể dục nặng, viêm tai và nhiễm trùng. Để điều trị, các bác sĩ ban đầu sẽ xác định vị trí sỏi tai di chuyển và dùng phẫu thuật tái định vị sỏi tai để đưa nó về đúng vị trí.
Thông thường, 90% bệnh nhân có thể trở lại bình thường trong vòng 2 tuần sau khi điều trị, nhưng 10 đến 15% bệnh nhân vẫn sẽ tái phát.
Cách phòng ngừa hoa mắt chóng mặt do sỏi tai lạc vị
1. Chỉnh vị trí gối ngủ
Người có tiền sử bị sỏi tai khi ngủ không nên để đầu ở vị trí quá thấp mà nên hơi kê cao gối để tránh cho sỏi tai trượt xuống ba ống bán nguyệt gây choáng váng.
2. Không nằm nghiêng một bên quá lâu
Giữ nguyên một tư thế nằm nghiêng sẽ làm sỏi tai tụ lại một bên khiến cho bạch huyết lưu thông không ổn định. Do đó, người bệnh nên nằm ngửa hoặc thay đổi tư thế thường xuyên lúc nghiêng bên trái, lúc quay sang phải, tránh giữ nguyên một tư thế ngủ.
3. Thường xuyên vận động
Thường xuyên vận động vùng đầu, cổ sẽ không cho sỏi tai cơ hội tụ lại một vị trí nhưng cũng tránh vận động quá mạnh hay có động tác quay đầu đột ngột. Trước khi ngủ và sau khi thức dậy có thể thực hiện bài tập đơn giản sau: nằm nghiêng về bên trái trong vòng 10 giây, sau đó từ từ chuyển về tư thế nằm ngửa và giữ nguyên trong 10 giây, tiếp tục nghiêng sang phải nằm 10 giây rồi trở về tư thế nằm ngửa. Cứ như vậy lặp đi lặp lại khoảng 10 lần.