Để ứng phó với dịch COVID-19, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, Hà Nội, TP HCM và nhiều tỉnh, thành phố đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hoặc cao hơn. Người dân buộc yêu cầu ở nhà, người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, không ra đường khi không có việc thật sự cần thiết.
Thay đổi thói quen cố hữu để chăm sóc đời sống tinh thần vượt qua đại dịch
Việc phải cách ly triệt để khiến giờ giấc sinh học của nhiều người bị đảo lộn, khó thích nghi ngay. Nhiều người trước đây quen dậy sớm chạy bộ, tập thể dục, đến giờ sẽ đi ăn cơm, nhưng từ khi ở nhà, ít việc, sẽ khó ngủ, thức khuya, dậy muộn.
Việc lặp đi lặp lại nhịp sống này khiến nhiều người uể oải, căng thẳng, không tập trung làm việc. Họ lo lắng nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng chất lượng sống.
Tư vấn về vấn đề này, PGS.TS Tâm lý học Phạm Mạnh Hà (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết lo lắng này là dễ hiểu. Vị chuyên gia này nhấn mạnh đến khả năng thay đổi lối sống khi điều kiện sống thay đổi.
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh duy trì tập luyện trong thời gian cách ly. Ảnh: Cắt từ video
Dù rất thích tập thể dục buổi sáng nhưng không được đi (vì giãn cách hoặc vì cách ly) nên rất căng thẳng, bạn nên tập ở nhà; nếu không uống trà đá, "buôn chuyện" ở ngoài thì gọi điện, gọi video, TS Hà tư vấn.
"Đừng giữ thói quen cố hữu khiến khó thích nghi với điều kiện mới. Nếu chúng ta không thay đổi, tổ chức lại cuộc sống thì vấn đề tâm thần sớm bị tác động" - ông chia sẻ.
Cơ thể khỏe mạnh thì tinh thần luôn hưng phấn
Cũng theo vị chuyên gia này, trong thời gian nghỉ ở nhà phòng dịch, nhiều người trẻ, chuyên gia hướng dẫn về thiền, yoga. Ngoài ra Bộ Y tế có rất nhiều hướng dẫn liên quan về mặt thể chất mà chúng ta có thể tìm kiếm để tập.
"Nếu cơ thể khỏe mạnh thì tinh thần luôn hưng phấn. Bản thân tôi lười tập nhưng thời gian dịch bệnh vừa qua, mỗi buổi tôi tập yoga từ 30-45 phút theo các video trên YouTube và cảm thấy rất tuyệt vời. Tuy nhiên, bạn nên có thời gian biểu tập phù hợp, không thể cả ngày tập yoga sẽ làm mình căng thẳng hơn" - TS Hà nói.
Ngoài ra, chúng ta nên thay đổi thói quen tập luyện, không nhất thiết ra đường để chạy bộ, đạp xe mà chỉ cần khoảng không, không gian để tập luyện là được.
Thiền có thể loại bỏ suy nghĩ tiêu cực để thanh lọc đầu óc. Chúng ta sẽ không nghĩ đến cái sẽ đến mà tập trung đến hơi thở, luôn thư giãn, thư thái và khỏe mạnh hơn. Từ đó, giúp chúng ta mạnh mẽ, sảng khoái, vượt qua căng thẳng do đại dịch.
Ví dụ như bật bản nhạc không lời, để tay trước ngực các bạn có thể tưởng tượng như đang ở cánh đồng cỏ, cánh đồng lúa, hít thật sâu, không khí thoát ra ngoài. Hãy thực hiện trong 3-5 phút để suy nghĩ tích cực, đơn giản để các cơ khớp thoải mái hơn, nhẹ nhõm hơn.