Một cô sinh viên 23 tuổi tên Xiao Zhao, sống tại Thường Châu (Giang Tô, Trung Quốc) có sở thích dùng điện thoại suốt 4 - 5 tiếng liên tục mỗi ngày. Gần đây, dịch bệnh hoành hành khiến việc học tập và làm thêm của cô bị gián đoạn, Xiao Zhao có nhiều thời gian rảnh hơn nên càng dùng điện thoại nhiều hơn.
Kết quả là ngón tay cái bên phải của Xiao Zhao đột nhiên xuất hiện cảm giác khó chịu, đau đớn. Lúc đầu chỉ bị đau ở gốc ngón cái, mấy ngày sau thì cả ngón tay đều đau, cơn đau lan dần ra cổ tay, cử động của các ngón tay khác cũng trở nên không linh hoạt.
Bắt đầu lo lắng vì không tìm ra nguyên nhân gây bệnh cho mình, Xiao Zhao tức tốc đến bệnh viện tuyến đầu ở Thường Châu để kiểm tra. Kết quả chẩn đoán của bác sĩ Wu Chun Feng, Phó trưởng Khoa Gây mê của Bệnh viện Thường Châu khẳng định ngón tay cái bên phải của cô bị viêm bao gân do thường xuyên dùng điện thoại di động trong nhiều giờ liên tục.
Rất may là tình trạng của Xiao Zhao vẫn ở dạng nhẹ, mới là giai đoạn đầu của bệnh nên chỉ cần cho cơ thể nghỉ ngơi và điều trị bằng nước muối là sẽ khỏe. Đặc biệt, bác sĩ Wu cũng khuyên cô nên ngừng việc sử dụng điện thoại, gây sức ép lên các ngón tay trong 1 thời gian.
Bác sĩ cảnh báo: Viêm bao gân tay có thể gây liệt ngón tay vĩnh viễn
Bác sĩ Wu cho biết, bao gân là một bao hoạt dịch khép kín giống như ống tay áo được bao bọc bên ngoài gân để bảo vệ gân, khi gân và bao gân cọ xát với nhau nhiều lần, viêm bao gân sẽ hình thành.
Ông chỉ ra rằng những người liên tục thực hiện cùng một hoạt động với các ngón tay và thường xuyên tiếp xúc với nước lạnh dễ bị viêm bao gân hơn, đặc biệt xảy ra nhiều nhất ở phụ nữ trung niên và cao tuổi, người làm việc nhà nhiều và phụ nữ sau sinh. Tuy nhiên, ngày nay ngày càng có nhiều người trẻ gặp phải tình trạng này do thói quen sử dụng điện thoại di động và bàn phím trong thời gian dài, liên tục.
Bệnh viêm bao gân tay cần được phát hiện và điều trị sớm. Ở giai đoạn 1 và 2, bệnh có thể dễ dàng được kiểm soát, nhưng nếu bệnh phát triển đến giai đoạn 3 sẽ xuất hiện tình trạng bị búng tay khi bẻ ngón tay, luôn có cảm giác đau ngón tay, đến giai đoạn 4 thì sẽ hoàn toàn không thể cử động được các ngón tay. Ở 2 giai đoạn muộn này, bệnh nhân cần phải lập tức được phẫu thuật, tuy nhiên, khả năng phục hồi sau phẫu thuật cũng không cao.
Bạn có thể tự kiểm tra tình trạng gân tay tại nhà bằng cách: để thẳng cổ tay, thả lỏng sau đó dùng tay còn lại gập ngón cái tay xuống, nếu bạn cảm thấy đau ở cổ tay hướng tâm (vị trí của chấm đỏ), bạn có thể đã bị viêm bao gân.
Điều quan trọng nhất để ngăn ngừa viêm bao gân là tránh cử động ngón tay lặp đi lặp lại và các bài tập chịu sức nặng trong thời gian dài, chẳng hạn như nghịch điện thoại di động, máy tính, cầm vật nặng... Bạn cũng nên giữ ấm tay và thỉnh thoảng tập các bài tập tay, kéo giãn cơ tay, khi thấy bất thường hãy đến bệnh viện để thăm khám càng sớm càng tốt.
Nguồn và ảnh: Skypost, Healthline, MSN