Mới đây Bệnh viện Y học cổ truyền Trung Quốc Hàng Châu chia sẻ về một trường hợp phải vào cấp cứu sau bữa ăn nhiều chất. Theo đó, cô gái 25 tuổi ở Hàng Châu đột nhiên không khỏe sau khi ăn 4 con cua lớn cùng lúc.
Sau bữa ăn, khi đang nằm trên ghế sofa chơi điện thoại di động, nữ bệnh nhân cảm thấy bụng trên đau âm ỉ. Lúc đầu, cô nghĩ đó chỉ là cảm giác khó chịu do ăn quá nhiều. Nửa tiếng sau, cơn đau trở nên trầm trọng hơn, trán cô toát mồ hôi lạnh.
Thấy vậy, gia đình lập tức đưa cô gái đến bệnh viện. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán người phụ nữ trẻ bị viêm tụy cấp.
Bác sĩ lập tức thực hiện một loạt biện pháp cấp cứu cho bệnh nhân bao gồm chống nhiễm trùng, giảm đau. Khi tình trạng của người bệnh ổn định hơn, bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt túi mật cho cô.
Cua chứa hàm lượng đạm, muối cao, không nên ăn quá nhiều. Ảnh minh họa: Medical News Today
Theo thông tin từ bệnh viện, cô gái bị sỏi túi mật nhưng không hay biết vì thường không có triệu chứng rõ ràng. Lần này, bệnh nhân tiêu thụ một lượng lớn thịt cua chứa hàm lượng đạm, muối cao đã khiến viêm tụy cấp bộc phát.
Ở những bệnh nhân bị sỏi mật, nhất là trường hợp sỏi gây tắc ống mật, khi có tác nhân kích thích, dịch mật dễ trào ngược vào ống tụy, làm thay đổi pH của dịch tụy, dẫn tới phá hủy các tế bào tụy, kích hoạt viêm nhiễm.
Theo Aboluowang, các bác sĩ khuyến nghị người dân nên thưởng thức đồ ăn có chừng mực, chú ý đến tình trạng thể chất của bản thân, đặc biệt những người có bệnh nền cần thận trọng hơn.
Bởi vậy, người dân không ăn quá nhiều cua một lúc (chỉ ăn 1-2 con trong một bữa) do thực phẩm này tiềm ẩn một số mối nguy với sức khỏe. Theo Đông y, thịt cua có tính hàn nên ăn nhiều sẽ gây đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy. Những người dị ứng với cua, mới khỏi bệnh, bị tiêu chảy không nên ăn cua.
Bộ Nông nghiệp Mỹ cho hay, trong 100g cua có 97 calo, 63mg purin, 1g natri (44% nhu cầu hằng ngày), 53mg cholesterol (17%), vitamin B12 (191%)… Theo Webmd, cua có thể chứa ít thủy ngân hơn một số loại hải sản khác nhưng vẫn có thể là mối lo ngại tùy thuộc vào cách đánh bắt và chế biến.
Lượng muối trong cua quá cao nên người bị bệnh tim mạch, huyết áp cao nên tránh ăn món này. Bệnh nhân gout cũng hạn chế dùng cua, đặc biệt khi uống bia do cả 2 loại đều chứa nhiều purin. Việc hấp thụ quá mức purin khiến thận quá tải, không đào thải hết sẽ làm rối loạn chuyển hóa purin, từ đó tăng axit uric, khiến bệnh gout trầm trọng hơn.