Trong chương trình "Doctor Is Hot" của Đài Loan, Trần Bảo Nhân, bác sĩ sản phụ khoa đã chia sẻ một trường hợp đặc biệt mình từng tiếp nhận. Bệnh nhân là một cô gái 22 tuổi, sau khi kết hôn được 1 năm, dù cố gắng mọi cách vẫn không thể có thai. Vì thế, cô cùng chồng đến bệnh viện kiểm tra. Tại đây, bác sĩ nhận thấy cô chưa bao giờ có kinh nguyệt, đó có thể là nguyên nhân khiến cô thụ thai không thành công.
Nếu phụ nữ bình thường thì kỳ kinh xuất hiện lần đầu tiên ở độ tuổi từ 12 - 16. Khi tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, bác sĩ Trần nhận thấy vì cô sống cùng với ông bố đơn thân nên sự bất thường này khiến cô rất xấu hổ khi chia sẻ với bố mình. Khi lên cấp 2, cô có bạn trai và đã quan hệ tình dục nhưng không nhận biết được cơ thể của mình bất thường.
Trần Bảo Nhân, bác sĩ sản phụ khoa chia sẻ trong chương trình "Doctor Is Hot" của Đài Loan.
Bác sĩ Trần nói: "Một người phụ nữ chưa từng có kinh nguyệt, điều này thực sự bất thường. Trước tiên cần phải trích xuất nhiễm sắc thể, siêu âm tử cung, buồng trứng, xét nghiệm âm đạo... Bệnh nhân được chẩn đoán mắc phải hội chứng Mayer Rokitansky".
Theo trang Pennmedicine, hội chứng Mayer Rokitansky Küster Hauser (MRKH) là một rối loạn bẩm sinh hiếm gặp xảy ra trong quá trình phát triển của thai nhi. Cứ 4.500 bé gái thì có 1 người mắc phải.
Do MRKH được đặc trưng bởi tử cung và âm đạo kém phát triển hoặc không có, nên phụ nữ mắc bệnh này thường bị vô sinh do bất thường ở tử cung (UFI), ảnh hưởng đến 5% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản trên toàn thế giới. Một người bị UFI không thể mang thai vì họ được sinh ra mà không có tử cung, hoặc đã được phẫu thuật cắt bỏ nội tạng hoặc có một tử cung không hoạt động đúng.
Những người bị MRKH có buồng trứng hoạt động bình thường, nhiễm sắc thể nữ, đặc điểm sinh dục thứ cấp như lông mu và vú đều phát triển bình thường. Tuy nhiên, họ không trải qua chu kỳ kinh nguyệt vì cơ quan sinh sản của họ không có hoặc bị tổn thương.
Trong trường hợp của cô gái trên, bác sĩ Trần nói: "Bệnh nhân chỉ có một nửa tử cung và buồng trứng, vì vậy các chức năng cơ bản của phụ nữ còn thiếu. Mặc dù một số chức năng như tình dục diễn ra bình thường, cuộc sống cũng không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng do tử cung chưa hoàn chỉnh nên không thể có con".
Bác sĩ Trần cho biết trường hợp của nữ bệnh nhân này có thể lựa chọn cách mang thai hộ, tuy nhiên điều này còn tùy thuộc lớn vào suy nghĩ của họ.