Để từng bước tăng diện bao phủ và đạt hiệu quả sử dụng tối đa vắc-xin COVID-19, Bộ Y tế triển khai mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ 12-17 tuổi, theo lộ trình tiêm cho trẻ từ 16-17 tuổi trước rồi hạ dần độ tuổi. Mỗi trẻ sẽ được tiêm 2 mũi vắc-xin cùng loại (không tiêm phối hợp).
Cũng giống như người lớn, trẻ em sau khi tiêm vắc-xin có thể gặp một số phản ứng như sưng, nóng, đỏ, đau, ngứa nơi tiêm, khó chịu, mệt mỏi, sốt, vã mồ hôi, ớn lạnh, đau đầu, buồn nôn, đau khớp, mỏi cơ, tiêu chảy...
Để phòng ngừa những phản ứng này, một số ý kiến khuyên nên cho trẻ uống nước tía tô trước khi tiêm COVID-19.
Tía tô lá màu tía, là rau thơm thường thấy trong các bữa ăn của người dân Việt Nam.
Tía tô lá màu tía, là rau thơm thường thấy trong các bữa ăn của người dân Việt Nam. Ngoài ra, theo y học cổ truyền, tía tô còn là vị thuốc có nhiều tác dụng trong việc chữa bệnh.
Lá tía tô giúp ra mồ hôi, hạ sốt, chữa ho, giúp tiêu hóa tốt, giảm đau, giải độc, chữa cảm mạo, trị mề đay, mẩn ngứa. Bên cạnh đó, tía tô còn trị ngộ độc, nôn mửa, đau bụng do ăn cua cá. Cành tía tô có tác dụng chữa ho, trừ đờm, hen suyễn, tê thấp.
Mặc dù vậy, chưa có tài liệu chính thống nào báo cáo về tác dụng phòng ngừa phản phụ sau tiêm vacicne của tía tô. Chưa có khuyến cáo nào từ các chuyên gia là nên cho trẻ uống nước tía tô trước khi tiêm vắc-xin.
BS Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết việc uống nước tía tô trước khi tiêm vắc-xin COVID-19 không có tác dụng gì đối với việc giảm sốt hay các tác dụng phụ. Thay vào đó, cha mẹ nên cho con ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi, giữ tinh thần thoải mái trước khi đi tiêm vắc-xin .
Chưa kể, uống quá nhiều nước tía tô có thể sẽ khiến trẻ đầy hơi, chướng bụng và một số tác dụng không mong muốn khác.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân không nên uống nước lá tía tô hoặc dùng các bài thuốc dân gian khác để tránh việc không may có phản ứng phản vệ xảy ra, bác sĩ sẽ khó xác định nguyên nhân.
Bộ Y tế khuyến cáo sau tiêm vắc-xin COVID-19, người được tiêm cần thường xuyên đo thân nhiệt. a. Nếu sốt dưới 38,5 độ C: Cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút. b. Sốt từ 38,5 độ C trở lên: Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất. |