COVID-19 có thể 'thổi bay' hàng chục năm tiến bộ y học của nhân loại

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, đại dịch COVID-19 có thể lấy mất tiến bộ của nhân loại trong lĩnh vực y tế hàng chục năm qua.

  

COVID-19 có thể 'thổi bay' hàng chục năm tiến bộ y học của nhân loại - 1

“Tác động của đại dịch COVID-19 đến các dịch vụ y tế thiết yếu là mối lo ngại lớn. Các tiến bộ y học lớn đạt được hai thập kỷ qua có thể bị thổi bay trong một thời gian ngắn”, báo cáo của WHO nhấn mạnh.

Theo nghiên cứu của WHO, hơn 90% quốc gia trên thế giới chứng kiến tình trạng hệ thống y tế bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19. Nghiên cứu được thực hiện trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 ở hơn 100 quốc gia. Các dịch vụ y tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất là tiêm chủng định kỳ (70%), kế hoạch hóa gia đình (68%), chẩn đoán và điều trị ung thư (55%), trong khi các dịch vụ cấp cứu bị gián đoạn ở gần 25% quốc gia tham gia khảo sát.

Theo các nhà nghiên cứu, số ca tử vong không liên quan đến COVID-19 có xu hướng tăng ở một số nơi một phần do dịch vụ y tế bị gián đoạn. WHO cảnh báo, tình trạng gián đoạn này có thể còn kéo dài kể cả sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát. "Tác động có thể kéo dài sau đại dịch, nhiều nước có thể sẽ cảm thấy nguồn lực của mình bị quá tải", WHO cảnh báo.

Cũng theo khảo sát, các quốc gia gồm Afghanistan, Syria và Yemen, bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tiếp đến là châu Phi và khu vực Đông Nam Á. Nghiên cứu này không kể đến châu Mỹ.

Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát mạnh ở nhiều nơi trên thế giới. Tính đến sáng nay 1/9, thế giới đã ghi nhận tổng cộng gần 26 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 850.000 người đã tử vong, gần 18 triệu người đã phục hồi.