Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) vừa tiếp nhận bé gái hơn 3 tuổi vào viện với lý do ngộ độc rượu.
Rượu mật ong cũng có thể gây ngộ độc nếu trẻ nhỏ uống nhiều. Ảnh minh hoạ
Theo người nhà bệnh nhi, cách thời điểm nhập viện khoảng 3 tiếng, bé ở nhà với bà và anh trai 7 tuổi. Trong khi bà tranh thủ làm việc nhà, hai anh em cùng nhau uống hết 1/3 chai rượu ngâm cây gió với mật ong.
Sau khi uống được một thời gian, bé gái có biểu hiện nôn, tím tái, vã mồ hôi, hơi thở mùi cồn, gia đình nhanh chóng đưa bé nhập viện.
Ngay lập tức bệnh nhi được xử trí cấp cứu theo phác đồ ngộ độc, truyền dịch, bù nước điện giải. Sau điều trị bé tỉnh táo, chơi ngoan, ăn uống tốt và được xuất viện.
Trước đó, các bác sĩ ở Lào Cai từng cấp cứu bé trai hơn tuổi tuổi bị ngộ độc rượu. Theo người nhà, đêm khuya cháu bé khát nước nên dậy uống nước, thấy ca rượu để trên bàn tưởng là nước bé rót ra uống gần hết một bát (khoảng 200ml rượu).
Sau đó bé đi ngủ và sáng hôm sau gọi không tỉnh. Trẻ có cơn kích thích vật vã, co giật toàn thân, được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán bé bị ngộ độc rượu ethanol. Sau 3 ngày điều trị, trẻ dần hồi tỉnh, lấy lại được ý thức.
Các bác sĩ lưu ý rượu là chất kích thích thần kinh, trẻ con uống một ngụm cũng bị kích thích khiến mặt đỏ gay, choáng váng. Trẻ uống một ngụm nhỏ bia, rượu có thể không tác hại ngay, nhưng uống nhiều rượu, bia sẽ gây hại cho não, mắt, gan, thận của trẻ.
Nếu trẻ uống nhầm rượu hoặc thức uống có hại, người nhà cần tìm cách để trẻ nôn hết sau đó, nhanh chóng đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, đồng thời mang theo đồ ăn, uống mà trẻ bị ngộ độc đến bệnh viện để xét nghiệm độc chất.
Để phòng nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ, bác sĩ Hà Huy Mến, Trưởng Khoa Cấp, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), cứu khuyến cáo người lớn cần giám sát trẻ liên tục và có các biện pháp để phòng tránh nguy hiểm cho trẻ như để xa tầm tay trẻ những vật dụng nguy hiểm, đồ sắc nhọn, thuốc, hóa chất, các loại đồ uống không phù hợp với trẻ nhỏ.
Không dùng các chai đựng thực phẩm để chứa hóa chất, tránh gây nhầm lẫn; bọc các góc cạnh bàn, ghế, giường tủ để tránh va đập; sắp xếp nhà cửa gọn gàng.