Tờ QQ (Trung Quốc) mới đây đưa tin về trường hợp của bà Lưu, năm nay 66 tuổi. Bà là một người luôn giữ gìn sức khỏe, đặc biệt có thói quen đi bộ 10.000 bước mỗi ngày để rèn luyện sức khỏe của tim, phổi, giảm cân và hạ đường huyết. Dù đi bộ nhiều mỗi ngày rất mệt nhưng bà Lưu vẫn cố gắng chịu đựng để đi đủ số bước mà mình quy định.
Kết quả là cuối tuần trước khi ngủ dậy, bà thấy khớp gối của mình đau nhức đến mức không duỗi thẳng được, không đi lại được nên phải nhờ con trai đưa vào bệnh viện. Sau khi kiểm tra, bác sĩ cho biết bà Lưu bị mòn khớp rất nặng, thẳng thắn nói: "Đi bộ thế này, không nói đến người già, ngay cả người trẻ cũng không chịu nổi".
Đi bộ là bài tập tiết kiệm chi phí nhất
Đi bộ là cách dễ dàng và thuận tiện nhất để tập thể dục, mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể của chúng ta.
Giáo sư Hu Yang từ Trung tâm Nghiên cứu khoa học thuộc Đại học Thể thao Bắc Kinh (Trung Quốc) khẳng định đi bộ là phương pháp đơn giản, an toàn và hiệu quả nhất có tác dụng phòng chống và điều trị các bệnh mãn tính rất tốt.
Trong một cuộc khảo sát, GS. Hu phát hiện ra rằng những người đi bộ 14km/tuần có tỷ lệ mắc bệnh tim mạch thấp hơn 40% so với những người đi bộ ít hơn 4km/tuần. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh mãn tính có thể giảm hoặc thậm chí biến mất một số triệu chứng thông qua việc tập thể dục.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã tuyên bố: Bài tập tốt nhất là đi bộ. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng đi bộ có nhiều tác dụng trong việc phòng chống bệnh tật, chống ung thư và kéo dài tuổi thọ. Đặc biệt, những người trên 65 tuổi đi bộ hơn hoặc bằng 4 giờ mỗi tuần sẽ giảm được 69% tỷ lệ mắc bệnh tim mạch và giảm 73% tỷ lệ tử vong so với những người đi bộ dưới 1 giờ.
Tại sao nhiều người đi bộ lại thêm bệnh?
Đi bộ đã được chứng minh mang lại nhiều lợi ích, có thể kéo dài tuổi thọ nhưng vì sao có những người vẫn bị vấn đề về khớp gối? Hóa ra xuất phát từ 4 yếu tố dưới đây.
1. Đi bộ quá sức
Đi bộ thực sự là một bài tập tốt, tuy nhiên chúng ta nên làm nó điều độ, vận động quá sức có thể gây mỏi cơ ở chân và làm mòn khớp gối. Theo bác sĩ Zhu Yuqi (Trưởng khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Mắt thuộc Học viện Khoa học Y khoa Trung Quốc) nếu đi bộ quá nhiều, người cao tuổi có thể bị tổn thương sụn chêm.
Số bước chân mỗi ngày bao nhiêu còn tùy thuộc vào lứa tuổi cũng như tình trạng sức khoẻ thể chất của mỗi người. Tuy nhiên, trung bình thì 30 phút đi bộ mỗi tối là tốt nhất.
2. Chọn sai loại giày, không khởi động trước khi đi bộ
Ai cũng nghĩ đi bộ là một hình thức tập luyện nhẹ nhàng vì thế không cần chuẩn bị giày và khởi động trước. Thực tế, việc chọn sai giày, không khởi động trước khi đi bộ có thể gia tăng áp lực cho chân và gây ra chấn thương.
Theo bác sĩ Bai Liqun (Trưởng khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Đông Phương thuộc Đại học Trung y Bắc Kinh), một trong những lý do phổ biến khiến nhiều người bị chấn thương khi chơi thể thao là họ không thực hiện các bài tập khởi động. Như vậy, cơ thể đột nhiên rơi vào trạng thái vận động và rất dễ bị choáng. Ngoài ra, nếu không khởi động, các khớp trên cơ thể sẽ không thể mở ra, làm hạn chế các hoạt động và hiệu quả tập luyện cũng sẽ giảm đi.
Trước khi đi bộ, hãy chọn những đôi giày thể thao phù hợp, giảm sốc, có lợi hơn cho việc bảo vệ xương khớp, cố gắng khởi động các khớp chân, khớp gối trước khi đi bộ.
3. Vừa đi vừa cúi xuống đất
Đi bộ mà lưng và đầu cúi xuống đất sẽ khiến các kinh mạch không thể giãn ra, cơ thể không nhận được lượng oxy cần thiết khiến con người rơi vào trạng thái căng thẳng, não phải làm việc quá sức và ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm.
Ngược lại, nếu bạn đi bộ mà ngẩng cao đầu thì các kinh mạch của toàn cơ thể sẽ chuyển động cùng nhau. Thêm vào đó, khi đi bộ nên tích cực đánh tay hai bên để tăng tốc độ đi, kích thích nhu động ruột, chống táo bón.
4. Ngồi xuống ngay sau khi đi bộ về
Khi cơ thể đang hoạt động ở tốc độ cao mà bạn ngồi ngay xuống có thể khiến máu bị tụ lại và cản trở việc hồi phục năng lượng của cơ thể, có thể gây ra đau nhức cơ bắp. Dù mệt, bạn vẫn nên đi lại chậm rãi 5-10 phút rồi mới có thể ngồi xuống nghỉ ngơi.
(Nguồn: Sohu, QQ, Health Times)