Hugh Jackman là nam diễn viên điển trai người Úc, anh được công chúng biết đến nhờ vai diễn Người sói trong loạt phim điện ảnh X-man. Trên phim thủ vai Người sói mạnh mẽ là thế, vậy nên khi Hugh Jackman thông báo anh mắc phải căn bệnh ung thư da đã khiến nhiều người hâm mộ không khỏi sửng sốt.
Lần đầu tiên Hugh Jackman phát hiện ra dấu hiệu của căn bệnh là vào năm 2013, khi đó anh đang trong quá trình quay bộ phim “X-men: Day of Future Past”. Chuyên viên trang điểm đã phát hiện một vết máu trên mũi của anh, nhưng Hugh không quá quan tâm đến vết thương nhỏ này vì nghĩ đó là do bộ móng vuốt của mình gây ra. Một tuần sau đó, chuyên viên trang điểm tỏ ra lo ngại khi vết máu này vẫn chưa biến mất và khuyên anh nên đi kiểm tra sức khỏe. Vợ anh cũng không ngừng thúc giục chồng đi khám.
Nghe lời mọi người, Hugh Jackman đã tới bệnh viện kiểm tra và nhận được kết quả khiến bản thân vô cùng bất ngờ. Bác sĩ thông báo, anh đã bị ung thư biểu mô tế bào đáy, một trong ba dạng của ung thư da.
Đây là hình thức phổ biến nhất của ung thư da, thường phát triển trên bề mặt da thường xuyên tiếp xúc với ánh mặt trời hoặc tia UV. Mặc dù phát triển chậm nên khó có thể di căn, nhưng nếu không phát hiện và điều trị sớm, căn bệnh này thường gây khó chịu cho người mắc phải vì có thể làm loét, chảy máu, ngứa ngáy ở vùng da bị nhiễm khuẩn, nghiêm trọng hơn có thể gây biến dạng khuôn mặt.
Trong suốt từ năm 2013 tới năm 2016, Hugh Jackman đã phải trải qua tổng cộng 5 lần tiểu phẫu để loại bỏ tế bào ung thư. Trong khoảng thời gian này, anh thường xuyên xuất hiện trước công chúng với một chiếc băng gạc trên mũi.
Từ khi bắt đầu hành trình chiến đấu chống lại bệnh tật, Hugh Jackman luôn kêu gọi mọi người phải thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ và bôi kem chống nắng. “Đừng ngu ngốc như tôi, hãy thường xuyên đi khám sức khỏe và nhớ bôi kem chống nắng”, Hugh viết trên Instagram.
Mức độ nguy hiểm của ung thư da
Ung thư da là loại ung thư dễ gặp nhất, nhiều hơn tất cả các loại ung thư khác cộng lại. Có ba loại ung thư da chính gồm: ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư hắc tố.
Hầu hết các loại ung thư da đều tương đối dễ điều trị, dạng nguy hiểm nhất là u ác tính chỉ chiếm 1% trường hợp nhiễm bệnh. Tuy nhiên không nên chủ quan, theo thống kê trên thế giới mỗi năm có khoảng 9000 ca tử vong do ung thư da.
Giai đoạn đầu, người mắc ung thư da thường xuất hiện những bết ban đỏ hoặc nốt sần trên bề mặt da kèm theo bong vẩy, triệu trứng khá tương đồng với các bệnh như vẩy nến, viêm da, eczema, ... do đó, người bệnh thường bỏ qua những triệu chứng này, dẫn đến chậm chễ trong việc phát hiện và điều trị bệnh.
Ngoài ra, dù rất hiếm nhưng ung thư da vẫn có thể di căn tới các bộ phận khác của cơ thể, điều đó khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn, làm gia tăng nguy cơ tử vong.
Một số dấu hiệu sớm cảnh báo ung thư da
Điểm trên da bị đau hoặc chảy máu: nếu một điểm trên da bị đau hoặc chảy máu mà không thể chữa lành trong vòng 4 tuần, cần phải lập tức thăm khám.
Xuất hiện chàm bội nhiễm: đặc biệt cần phải lưu ý những vết chàm tại khuỷu tay, khớp, lòng bàn tay.
Chứng đỏ mặt (bệnh Rosacea): vùng da xung quanh mũi, cằm, má, trán và mắt trở nên bỏng đỏ, kéo dài dai dẳng không dứt. Sau một thời gian, các mạch máu bắt đầu xuất hiện dưới da, nổi mụn nhọt chứa mủ.
Nốt ruồi: trở nên ngày càng lớn và tối màu.
Vết bớt thay đổi: vết bớt ngày càng lan rộng trên da, nếu vết bớt ngứa, đỏ và bắt đầu lan khắp cơ thể thì có vẻ tình trạng bệnh đã tương đối nghiêm trọng.
Ung thư da không chỉ ảnh hưởng tới thẩm mỹ và tâm lý người bệnh mà việc điều trị cũng rất tốn kém. Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh là tránh ánh nắng mặt trời, đặc biệt là ánh nắng gau gắt từ 10 giờ sáng tới 4 giờ chiều, bôi kem chống nắng mỗi khi ra ngoài và thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ.