Sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật, HLV Lê Thụy Hải đã qua đời vào ngày 7/5/2021.
Sự ra đi của HLV Lê Thụy Hải là cú sốc lớn với bóng đá Việt Nam. Trong suốt sự nghiệp, vị HLV có biệt danh Hải “lơ” này từng làm thầy của rất nhiều thế hệ cầu thủ và cả những HLV hiện tại.
HLV Lê Thụy Hải đã qua đời do ung thư tụy. Ông hưởng thọ 76 tuổi.
Tiên lượng của ung thư tụy rất xấu
Theo BS Lê Công Định, khoa Nội II, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, tiên lượng của ung thư tụy rất xấu. Nguyên nhân chủ yếu khiến ung thư tụy có tiên lượng xấu so với ung thư tiêu hóa khác là bởi tụy có vị trí đặc biệt ở rất sâu trong ổ bụng, triệu chứng lâm sàng nghèo nàn lại dễ nhầm với bệnh khác nên người bệnh thường được chẩn ở giai đoạn muộn.
Người bệnh thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn. Thông thường khi đến khám, điều trị, người bệnh đã ở giai đoạn 4 – giai đoạn muộn. Bệnh nhân phẫu thuật được chỉ khoảng 5% sống sót sau 5 năm. Trường hợp không thể thực hiện phẫu thuật, tỷ lệ tử vong trong những năm đầu lên tới gần 60%.
Với những trường hợp vào viện ở giai đoạn 4 gần như không thể phẫu thuật. Người bệnh khi đó chỉ có thể được điều trị triệu chứng, chăm sóc giảm nhẹ, thời gian sống không lâu.
Theo BS Công Định, nguyên nhân của ung thư tụy hiện vẫn chưa được xác định rõ. Nhưng các yếu tố nguy cơ cao của căn bệnh này là di truyền chiếm 10-15%. Với những người có ba, mẹ, anh, chị, em ruột bị ung thư tụy nên có ý thức tầm soát ung thư vì đây là bệnh lý có tính di truyền.
Những người mắc một số bệnh lý mãn tính ở tụy cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư tụy như đái tháo đường, xơ nang tụy, viêm tụy mạn… Người bị viêm tụy mãn tính có tỷ lệ ung thư tụy gấp 20 lần bình thường. Ngoài ra, bệnh nhân hút thuốc lá, béo phì, ít hoạt động thể lực, nghiện rượu, ăn quá mặn, quá nhiều chất béo cũng là những yếu tố cao gây ung thư.
Ở giai đoạn sớm, ung thư tụy không có triệu chứng đặc hiệu
TS Đỗ Tuấn Anh, Trưởng khoa Phẫu thuật Gan mật, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cho biết, ở giai đoạn sớm, ung thư tụy không có triệu chứng đặc hiệu, các biểu hiện lâm sàng mơ hồ, bệnh thường được phát hiện tình cờ. Đến khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Bệnh nhân có biểu hiện đau thường gặp nhất ở vùng thượng vị, hay vùng hạ sườn phải, chiếm tỷ lệ 80-90% trong số các ung thư tụy và hay gặp hơn ở các ung thư thân và đuôi tụy. Đau ở bụng dưới trong thời gian dài trước khi biểu hiện các triệu chứng khác.
Ngoài ra, bệnh nhân ung thư tụy còn có một số biểu hiện như:
- Vàng da: Đây là hậu quả của khối u xâm lấn đường mật và kèm theo ngứa. 80-90% bệnh nhân u đầu tụy có vàng da, chỉ có 6% số bệnh nhân u ở thân và đuôi tụy, vàng da tắc mật tiến triển từ từ, ngày càng tăng dần, vàng đậm.
- Sốt: Nhiệt độ tăng kèm rét run như triệu chứng của áp xe đường mật, gặp ở 10% bệnh nhân có ung thư đầu tụy, nhưng không thường gặp.
- Các triệu chứng khác: Hay gặp sút cân, thường là 2 tháng trước khi đến gặp thầy thuốc, đầy hơi, nôn, chướng bụng, thiếu máu, ỉa chảy, táo bón, mệt mỏi.
Chuyên gia khuyến cáo, người dân nên đi kiểm tra định kỳ thường xuyên để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh, đặc biệt khi có các triệu chứng bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và có phương pháp xử lý phù hợp.