Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân mắc đồng thời hai loại ung thư.
Bệnh nhân là ông N.S, nam, 66 tuổi, không có bệnh đồng mắc, uống rượu không thường xuyên, hút thuốc lá 20 bao/năm, gia đình có anh họ mắc bệnh ung thư gan, không phát hiện ai mắc ung thư phổi, ung thư đại trực tràng.
(Ảnh minh họa).
Cách vào viện 1 tháng, bệnh nhân xuất hiện đau cột sống thắt lưng, không có tiền sử chấn thương hay lao động gắng sức trước đó, triệu chứng đau tăng dần, liên tục, lan xuống 2 chân dẫn tới hạn chế vận động và yếu 2 chân, đi lại khó khăn kèm theo gầy sút cân.
Bệnh nhân đi khám tại bệnh viện tỉnh phát hiện tổn thương xương đa ổ chèn ép rễ thần kinh hướng tới tổn thương thứ phát. Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai.
Khi đến khám, bác sĩ không sờ thấy hạch ngoại biên. Bệnh nhân chỉ hạn chế vận động cột sống thắt lưng, yếu 2 chân, cơ lực 3/5, không rối loạn cơ tròn. Khám các cơ quan khác không phát hiện triệu chứng bất thường.
Theo PGS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ ung thư phổi di căn xương là rất cao, trong khi đó ung thư đại trực tràng di căn xương chỉ khoảng 1,24%.
Tuy nhiên, bệnh nhân này có khối u phổi tương đối nhỏ, không có hạch trung thất. Trong khi đó, tổn thương u trực tràng với tổn thương di căn hạch rất nhiều. Bác sĩ tiến hành sinh thiết cả 3 vị trí tổn thương u trực tràng, u phổi và u di căn xương. Kết quả cho thấy di căn là do ung thư đường tiêu hóa.
Bác sĩ Phương cho biết việc điều trị cho người có hai bệnh ung thư cần cân nhắc trên nhiều yếu tố như bệnh nào nguy hiểm đến tính mạng, bệnh nào nguy hiểm hơn, nguy cơ lan rộng hơn.
Với trường hợp ông S., tình trạng bệnh ở giai đoạn muộn, di căn xa, mục tiêu điều trị là kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Thời điểm nhập viện' bệnh nhân khó chịu nhất với triệu chứng đau thắt lưng và yếu hai chân do tổn thương di căn xương. Bác sĩ ưu tiên điều trị u nguyên phát gây di căn xương và điều trị chống hủy xương.
Theo bác sĩ, ung thư phổi và ung thư đại trực tràng đều có thể tầm soát và điều trị khỏi nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.
Ung thư phổi và ung thư đại trực tràng là hai trong số các loại ung thư phổ biến nhất hiện nay.
Theo số liệu GLOBOCAN năm 2020, tỉ lệ mới mắc ung thư đại trực tràng tại Việt Nam là 9% còn ung thư phổi là 14,4%. Tuy tỷ lệ mắc cao nhưng trên thực tế rất ít các trường hợp bệnh nhân mắc cả 2 loại ung thư này đồng thời. Một nghiên cứu tại Nhật Bản, từ tháng 4 năm 2009 đến tháng 7 năm 2016 đã thống kê rằng chỉ 17 (0,54%) trong số 3102 bệnh nhân ung thư phổi được chẩn đoán mắc ung thư đại trực tràng.