Đeo khẩu trang là việc làm cần thiết trong thời điểm này để giảm bớt nguy cơ lây nhiễm chéo nơi công cộng và còn ngăn chặn sự lây lan của dịch. Trên thực tế, nhiều người lại khá thoải mái khi đeo khẩu trang mà không quan tâm đến cách đeo chuẩn. Điều này chẳng những gây khó chịu khi đeo mà còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus.
Vậy những lỗi sai nào cần tránh khi đeo khẩu trang?
1. Đeo khẩu trang ngược mặt
Khẩu trang có 2 mặt đậm, nhạt rất rõ ràng để bạn phân biệt giữa mặt trong với mặt ngoài khi đeo. Phần khẩu trang để đeo áp vào mặt sẽ có màu nhạt hơn nên bạn cần chú ý tới điểm này.
Chất liệu mặt trong và mặt ngoài của khẩu trang cũng khác nhau. Mặt trong của khẩu trang có khả năng hút ẩm tốt, còn mặt ngoài có đặc tính chống nước nên sẽ ngăn chặn virus, vi khuẩn xâm nhập vào miệng, mũi.
Một số người không chú ý khi đeo khẩu trang sẽ đeo ngược mặt. Lỗi sai này chẳng những không phòng tránh được virus mà còn khiến khẩu trang trở thành vật thu hút virus.
2. Không bóp dải kim loại ở phần mũi
Khẩu trang y tế dùng một lần thường có dải kim loại để che khít vùng mũi. Dải kim loại này sẽ tạo thành môi trường khép kín nhằm cô lập và ngăn chặn vi khuẩn lẫn virus xâm nhập.
Nhiều người khi đeo khẩu trang lại quên bóp dải kim loại nên làm hiệu quả phòng tránh virus bị giảm đi rất nhiều.
3. Dùng một chiếc khẩu trang nhiều ngày liên tiếp
Nếu bạn có suy nghĩ đeo một chiếc khẩu trang nhiều ngày liên tiếp để tiết kiệm thì đây là một hành động hoàn toàn sai lầm. Khẩu trang y tế chỉ nên dùng một chiếc mỗi ngày, còn khi đã dùng nhiều ngày thì hiệu quả trong việc phòng tránh virus sẽ giảm đi rõ rệt. Thậm chí, việc đeo khẩu trang bị nhiễm vi khuẩn trong thời gian dài còn làm tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh rõ rệt.
4. Đeo khẩu trang không che kín mũi và miệng
Đeo khẩu trang là để đảm bảo an toàn cho bản thân và xã hội chứ không phải là đeo đối phó. Một số người cảm thấy khó thở khi đeo khẩu trang nên thường để lộ một phần mũi hoặc miệng ra ngoài khẩu trang.
Cách đeo này sẽ chẳng mang đến tác dụng bảo vệ gì mà còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm cao hơn.
Nguồn và ảnh: Sohu, Healthline, Pinterest