Dù là dịp Tết hay bữa cơm thường ngày, rau củ là thực phẩm không thể thiếu với mọi gia đình. Đặc biệt là trước kỳ nghỉ Tết, hầu hết mọi người thường có xu hướng mua nhiều rau củ để tích trữ. Không chỉ bởi tiện lợi hơn dịp Tết Nguyên Đán mà còn do cửa hàng, chợ nông sản thường ít mở cửa kinh doanh vào thời điểm này.
Tuy nhiên, khi đi chợ mà thấy 4 loại rau củ này dù “rẻ như cho” cũng nhớ đừng mua nếu không muốn rước bệnh về nhà:
1. Khoai tây chuyển màu xanh, mọc mầm
Đừng tiếc rẻ mà mua khoai tây có các mảng chuyển xanh hoặc đã nảy mầm. Bởi vì lúc này tinh bột chuyển hóa thành solanine và chaconine-alpha, là hai chất có thể gây ngộ độc cho người. Các chất độc này tập trung nhiều nhất ở các phần sát chuyển màu xanh và các vùng mọc mầm trên củ khoai và lan ra toàn bộ của khoai. Chúng thậm chí không thể được loại bỏ hoàn toàn ngay cả khi cắt bỏ phần mọc mầm và nấu chín kỹ.
Khoai tây chuyển xanh, mọc mầm chứa rất nhiều chất độc hại (Ảnh minh họa)
Nếu ăn với lượng ít, độc tố của khoai tây mọc mầm, chuyển xanh gây ra những vấn đề nhẹ ở đường tiêu hóa như đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy. Khi ăn nhiều hơn, bạn có thể gặp vấn đề nghiêm trọng về thần kinh cùng với các trục trặc về tiêu hóa như mê sảng, tiêu chảy nặng, giãn đồng tử, sốt theo cơn, ảo giác, đau đầu, sốc, hạ thân nhiệt, tê liệt, chậm chạp, khó thở, tụt huyết áp, suy tim, liệt trung tâm hô hấp… Nó cũng có thể gây ra dị tật thai nhi nếu thai phụ ăn phải.
2. Các loại ngô bóc sẵn vỏ hoặc tách sẵn hạt
Mặc dù rất tiện lợi nhưng mua ngô bóc sẵn vỏ vừa khó bảo quản trong dịp Tết lại dễ tiềm ẩn nguy hại cho sức khỏe. Đó rất có thể là ngô non, bị ướp hóa chất để có màu đẹp mắt hay có vị ngọt nhân tạo. Cũng có thể là những bắp ngô bị bán ế, để từ ngày hôm trước nên lớp vỏ bị xấu, được bóc vỏ hoặc tách sẵn hạt rồi bán. Hơn nữa, ngô mất vỏ bị mất đi lượng râu ngô quý giá với rất nhiều công dụng cho sức khỏe và làm đẹp.
Ngoài ra những bắp ngô bị dập nát, nấm mốc cũng không nên tiếc rẻ mà mua. Độc tố nấm mốc được tìm thấy trong ngô là các loài Aspergillus ( đặc biệt là A. flavus) , Fusarium và Penicillium, chúng có thể gây ra ung thư, ảnh hưởng đến gan, thận, thậm chí tử vong.
Thay vào đó, khi đi chợ mua ngô, nên mua những bắp ngô có vỏ màu xanh, chưa bị khô, râu ngô mềm mượt, cuống không bị thâm héo... Đồng thời, hạt ngô phải mẩy, bóng, thẳng tắp.
3. Giá đỗ không rễ
Mặc dù giá đỗ không rễ trông trắng nõn, bụ bẫm và rất ngon, thậm chí giá rẻ hơn nhưng không tốt cho sức khỏe.
Đi chợ cần lưu ý không phải loại rau củ nào cũng nên mua (Ảnh minh họa)
Loại giá đỗ này được trồng bằng cách ngâm trong nước, sử dụng thuốc kích thích để tăng trưởng, trong thời gian siêu ngắn có thể được thu hoạch. Nhờ đó có thể đem lại nguồn lợi nhuận lớn cho người sản xuất và có giá rẻ hơn. Nhưng trong quá trình này, chúng sẽ hấp thụ chất độc, lại bị kích thích hóa học quá mức có thể gây biến đổi tế bào. Một số người bán rau thậm chí có thể thêm urê, amoni nitrat và thuốc tẩy trái quy định.
Nếu ăn vào sẽ có thể gây ngộ độc, khiến cơ thể tích tụ chất độc, hình thành tế bào ung thư. Đặc biệt là nguy hại với lá gan. Chưa kể còn có thể làm biến đổi mùi vị món ăn. Do đó, bạn nên ăn chúng càng ít càng tốt hoặc tốt nhất là loại thực phẩm này ra khỏi bữa ăn hàng ngày nếu muốn cả gia đình khỏe mạnh.
4. Dưa chua, hành muối bán sẵn ở chợ
Việc sử dụng rau củ muối chua như dạng đồ ăn kèm rất phổ biến ở các nước Châu Á, nhất là trong dịp Tết. Không chỉ vì thói quen, mà các món này còn giúp bữa ăn đa dạng hơn, kích thích ngon miệng và bớt ngán thịt cá hơn trong những ngày Tết. Nhưng về cơ bản, chúng ta vốn không nên ăn nhiều dưa chua và càng không nên mua dưa chua, hành muối được bày bán ngoài chợ.
Không nên ăn nhiều các món này bởi trong quá trình muối chua hay lên men sẽ hình thành nitrit, đây là thành phần nguy hiểm nằm trong “danh sách đen” gây ung thư gan và các cơ quan nội tạng khác. Một số rau củ khi muối còn hình thành men tiêu hóa quá cao, tính axit mạnh không tốt cho sức khỏe. Trong khi đó, người bán hàng thường có xu hướng bỏ nhiều muối hơn để quá trình muối nhanh hơn và bảo quản được lâu hơn. Họ cũng không ngại dùng đi dùng lại các loại nước cũ để muối dưa, hành… khi bán cho bạn.
Các loại rau củ muối bày bán ngoài chợ tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn (Ảnh minh họa)
Chưa kể tới, để có màu sắc đẹp, mùi hấp dẫn thì không ít người dùng chất bảo quản, tạo màu. Nhiều người cũng thường không đậy kín nắp các dụng cụ đựng dưa muối, hành muối để tiện lợi hơn và tạo điều kiện cho vi khuẩn, bụi bẩn xâm nhập. Nhất là nếu chúng được bày bán ngay ngoài đường, nhiều xe cộ đi lại.
Nếu vẫn muốn ăn chúng, tốt nhất là bạn hãy tự làm để kiểm soát lượng muối và đảm bảo vệ sinh. Hoặc ít nhất là lựa chọn mua từ thương hiệu uy tín, có kiểm định, được đóng gói kỹ càng. Không mua rau củ, hành muối có màu, mùi lạ, nước nhiều váng, để quá lâu hoặc muối xổi.
Nguồn và ảnh: UDN, Family Doctor, Sohu