Điều gì xảy ra nếu ăn măng tây thường xuyên?

Măng tây giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, giảm huyết áp, nguy cơ mắc bệnh thần kinh...

Ảnh: Cook

Ảnh: Cook

Giá trị dinh dưỡng của măng tây

Măng tây giàu protein, carbohydrate, chất xơ, vitamin, nguyên tố vi lượng và axit amin. Cứ 100 g măng tây chứa 2,2 g protein, 0,1 g chất béo, 3,9 g carbohydrate, 2,1 g chất xơ, 38 µg vitamin A, 1,12 mg vitamin E, 41,6 µg vitamin K, 0,14 mg vitamin A, 0,09 mg vitamin B6, 45 mg vitamin C, 0,98 mg niacin, 52 µg axit folic, 202 mg kali, 52 mg phốt pho, 2 mg natri, 14 mg magie, 2,1 mg sắt, 24 mg canxi, 0,54 mg kẽm, 1 mg carotene, 93 µg retinol, 0,17 mg mangan, 0,41 mg kẽm, 0,21 µg selen. Ngoài ra, măng tây còn chứa nhiều chất dinh dưỡng đặc biệt như rutin, saponin steroid.

Lợi ích sức khỏe của măng tây khi bạn tiêu thụ mỗi ngày hoặc thường xuyên

- Giảm cholesterol và hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim

Măng tây chứa nhiều kali và anthocyanin. Các chất này là sắc tố hoạt động như chất chống oxy hóa trong cơ thể và mang lại màu sắc cho loại rau này. Cả kali và anthocyanin đều có thể giúp hạ cholesterol, giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Theo một nghiên cứu năm 2007 được công bố trên tạp chí Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine, những con chuột bị cholesterol cao đã giảm chỉ số này khi được ăn rễ của Asparagus racemosus, thiên môn chùm, thuộc họ măng tây.

Việc tăng cường hấp thụ anthocyanin trong măng tây cũng liên quan đến việc giảm nguy cơ đau tim, bệnh tim và hạ huyết áp. Chất xơ trong măng tây cũng giúp giảm LDL hay cholesterol "xấu". Chất xơ liên kết với cholesterol xấu trong ruột, giúp cơ thể bạn bài tiết nó để nó không đi vào máu.

- Lượng đường trong máu có thể được điều chỉnh và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường giảm

Theo một nghiên cứu năm 2012 được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Anh, vì chất xơ làm chậm quá trình tiêu hóa nên giúp cơ thể hấp thụ đường chậm hơn, ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột biến. Ngược lại, nếu lượng đường huyết thường xuyên tăng đột biến, nó có thể dẫn đến sự phát triển của bệnh tiểu đường loại 2.

Chất chống oxy hóa trong măng tây có thể cải thiện việc giải phóng insulin để điều chỉnh đường huyết và chống lại stress oxy hóa (là sự mất cân bằng giữa các gốc tự do và chất chống oxy hóa trong cơ thể), một lần nữa giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 2. Cần lưu ý rằng mặc dù nghiên cứu trên được thực hiện trên chuột, đã có những nghiên cứu tương tự kiểm tra cách măng tây có thể giúp điều trị bệnh tiểu đường.

- Giúp đi vệ sinh thuận lợi hơn

Chất xơ trong măng tây cũng có thể giúp điều hòa nhu động ruột. Măng tây có nhiều chất xơ không hòa tan, giúp thúc đẩy nhu động ruột đều đặn và tăng khối lượng phân. Nó cũng chứa nhiều chất xơ hòa tan, tạo thành một chất giống như gel giúp thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa. Chất xơ hòa tan cũng nuôi dưỡng các vi khuẩn đường ruột có lợi như Lactobacillus.

- Huyết áp có thể giảm

Ăn măng tây thường xuyên có thể giúp hạ huyết áp, giảm nguy cơ đột quỵ. Đó là vì măng tây chứa nhiều kali, chứa 6% RDI (là lượng canxi nạp vào hàng ngày) trên mỗi khẩu phần 90 g. Kali giúp cơ thể bài tiết lượng muối dư thừa qua nước tiểu và cũng làm giãn thành mạch máu, hạ huyết áp. Kali cũng đóng vai trò trong chức năng bình thường của dây thần kinh và cơ.

Măng tây cũng chứa asparagine. Theo tờ PubChem, tác dụng lợi tiểu của loại rau này giúp cơ thể bài tiết lượng muối và nước dư thừa, có thể làm giảm huyết áp.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hóa học Nông nghiệp và Thực phẩm đã xem xét tác động của chế độ ăn có 5% măng tây ở những con chuột bị huyết áp cao, so với chế độ ăn thông thường không có măng tây, trong khoảng thời gian 10 tuần. Những con chuột ăn măng tây cho thấy huyết áp thấp hơn 17% so với những con chuột nhóm kia. Mặc dù những kết quả này cho thấy tiềm năng của măng tây trong việc hạ huyết áp, vẫn cần phải tiến hành thêm nhiều nghiên cứu nữa ở người.

- Giảm nguy cơ mắc bệnh thần kinh Anthocyanins trong măng tây còn có thể giúp cải thiện và bảo vệ chức năng não. Anthocyanins có thể làm giảm tình trạng viêm thần kinh, nguyên nhân gây ra sự tiến triển của một số bệnh thần kinh, chẳng hạn như bệnh Alzheimer.

Việc tiêu thụ anthocyanin cải thiện đáng kể trí nhớ, giảm nguy cơ mắc bệnh thần kinh khi bạn già đi. Bạn cũng sẽ tìm thấy anthocyanin trong các loại trái cây và rau quả khác, như quả việt quất và dâu tây.

- Giảm say rượu, bia

Ăn nhiều măng tây có thể giúp làm dịu cảm giác nôn nao sau khi uống quá nhiều rượu. Theo một nghiên cứu năm 2009 được công bố trên Tạp chí Khoa học Thực phẩm, măng tây có thể bảo vệ gan khỏi độc tố và giúp làm dịu các triệu chứng nôn nao như đau đầu, mệt mỏi.

Ảnh: Pinterest

Ảnh: Pinterest

Nhược điểm của măng tây

- Có thể gây tiêu chảy

Ăn măng tây có thể không tốt cho những người có vấn đề về đường ruột như hội chứng ruột kích thích (IBS) hoặc bệnh viêm ruột (IBD). Không ăn đủ chất xơ có thể dẫn đến đau bụng và táo bón ở những người mắc IBS hoặc IBD, nhưng ăn quá nhiều chất xơ cũng có thể là tin xấu, gây tiêu chảy, đầy hơi, đau bụng. Chìa khóa là sự cân bằng, vì vậy, thỉnh thoảng ăn măng tây và ăn ở mức độ vừa phải sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bất kỳ vấn đề nào.

- Có thể gặp vấn đề về tiêu hóa

Măng tây cũng có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa. Nửa cốc măng tây nấu chín (khoảng 90 g) chứa 1,8 g chất xơ, hoặc khoảng 7% nhu cầu chất xơ hàng ngày của bạn. Nó có thể gây ra khí và đầy hơi, mặc dù các tác dụng phụ có thể sẽ không nghiêm trọng như khi ăn bắp cải hoặc đậu. Tuy nhiên, nếu bạn dễ bị đầy hơi khi ăn rau như bắp cải hoặc súp lơ, bạn nên tránh ăn măng tây mỗi ngày.

- Tình trạng sỏi thận hoặc bệnh gút có thể trở nên tồi tệ hơn

Măng tây có hàm lượng purin cao, làm tăng sản xuất axit uric trong cơ thể, có thể dẫn đến sỏi thận hoặc bệnh gút, hoặc làm trầm trọng thêm bất kỳ tình trạng nào trong số này. Nếu bạn được khuyên nên giảm mức purin, bạn cần hạn chế ăn măng tây hoặc tránh hoàn toàn. Các loại thực phẩm khác có nhiều purin bao gồm cá cơm, cá mòi, trai và thịt xông khói.