Đứng lên ngồi xuống hoa mắt, chóng mặt là bệnh gì?

Theo các bác sĩ, huyết áp thấp cũng như huyết áp cao là những dấu hiệu cảnh báo cần được quan tâm như nhau, nhưng huyết áp thấp lại ít được chú trọng hơn dù số người mắc huyết áp thấp ngày càng gia tăng hơn.

  

Đứng lên ngồi xuống hoa mắt, chóng mặt là bệnh gì? - 1

Ảnh minh họa

Hoa mắt, chóng mặt vì huyết áp thấp

Chị Nguyễn Thị Hoà – Hà Đông, Hà Nội, tâm sự chị bị huyết áp thấp. Mỗi lần đứng lên ngồi xuống hay bị hoa mắt, chóng mặt. Chị Hoà đi khám bệnh đo huyết áp chỉ số huyết áp chỉ được 80/50 mmhg, thậm chí có lúc chỉ đạt 80/40. Chị Hoà thường xuyên uống trà gừng cho thêm đường để cải thiện huyết áp thấp.

Trường hợp của chị Bùi Thị Hương, 43 tuổi, Bắc Ninh bị tai biến nhẹ do biến chứng của hạ huyết áp. Chị Hương cho biết từ trước tới nay chị vẫn bị huyết áp thấp, người hay mệt mỏi. Tuy nhiên, chị cứ nghĩ huyết áp thấp không nguy hiểm bằng huyết áp cao. Đến khi vào viện, chị mới biết huyết áp thấp nguy hiểm chẳng kém gì cao huyết áp.

Nhiều người tưởng rằng chỉ tăng huyết áp mới gây tai biến mạch máu não, nhưng thực tế, huyết áp thấp cũng là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh nguy hiểm này.

Theo bác sĩ Lương Trường Khang, Khoa Nội Tim mạch-Lão học, Bệnh viện Thủ Đức – TP.HCM, huyết áp của một người bình thường dao động xung quanh 120/80 mmHg (120 là huyết áp tâm thu, 80 là huyết áp tâm trương). Huyết áp thấp được xác định khi chỉ số huyết áp đo được nhỏ hơn 90/60 mmHg hoặc giảm 20 mmHg so với giá trị bình thường trước đó.

Bác sĩ Khang cho biết hầu hết trường hợp huyết áp thấp thường ở mức độ nhẹ, không gây triệu chứng hay gây nguy hại đến sức khoẻ.

Nhưng trong một số trường hợp huyết áp giảm đột ngột hoặc thấp do bệnh lý đi kèm sẽ làm giảm máu lên não, gây ra các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, … thậm chí dẫn đến ngất, đe doạ tính mạng, đặc biệt khi bạn ở một mình, lái xe, hay làm việc trên cao,…

Người bệnh nếu được bác sĩ chuyên khoa xác định mắc bệnh huyết áp thấp, cần được theo dõi và điều trị. Đối với những người già, người có bệnh mạn tính nếu đo huyết áp ở mức thấp nên được quan tâm điều trị, bởi điều này có thể gây nguy hiểm do máu không đến đủ tim, não hoặc các bộ phận khác trong cơ thể. 

Theo bác sĩ Khang, huyết áp thấp có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Bệnh tim mạch: suy tim, nhịp tim chậm, bệnh van tim,…mất nước do nôn ói, tiêu chảy, sốt, thuốc lợi tiểu…do nhiễm trùng nặng, phản ứng phản vệ do thuốc, thức ăn, độc tố

Người bị mất máu do chấn thương, xuất huyết, tụt huyết áp do thay đổi tư thế đột ngột, mang thai.

Với người bị huyết áp thấp, họ thường chủ quan và bỏ qua các triệu chứng. Các triệu chứng của bệnh cũng thường mơ hồ, nhầm lẫn với các bệnh lý khác như mệt mỏi, chóng mặt, nôn ói, mất tập trung, cảm giác khát, tim đập nhanh, da lạnh, nhợt nhạt, nhìn mờ, đau đầu, cảm giác choáng, ngất. 

Làm gì khi bị  huyết áp thấp?

Bác sĩ Khang khuyến cáo nếu có huyết áp thấp kèm các triệu chứng trên, người bệnh nên đến các cơ sở y tế thăm khám.  Nếu được bác sĩ chuyên khoa xác định mắc bệnh huyết áp thấp, người bệnh cần được theo dõi và điều trị. Đối với những người già, người có bệnh mạn tính nếu đo huyết áp ở mức thấp nên được quan tâm điều trị, bởi điều này có thể gây nguy hiểm do máu không đến đủ tim, não hoặc các bộ phận khác trong cơ thể.

Nếu người bệnh chủ quan, để tình trạng huyết áp thấp kéo dài thì có thể dẫn đến tai biến mạch máu não, tỷ lệ này chiếm khoảng 10-15%. Hiện nay, sự hiểu biết của bệnh nhân về huyết áp thấp còn rất ít. Các nghiên cứu cho thấy, hơn 70% bệnh nhân không biết mình bị huyết áp thấp, hơn 80% bệnh nhân bỏ qua những triệu chứng của bệnh.

Bác sĩ Khang cho biết khi bị huyết áp thấp, người bệnh sẽ được bác sĩ tư vấn trong đó có thay đổi chế độ ăn uống. Cần ăn uống đầy đủ các chất, đặc biệt các thức ăn chứa nhiều sắt để tránh thiếu máu. Chế độ ăn đủ muối giúp cân bằng lại huyết áp. Uống nhiều nước, tránh đồ uống có cồn.

Cần có chế độ sinh hoạt hợp lý như nghỉ ngơi, tránh áp lực, tăng cường tập luyện thể lực. Tập luyện phù hợp với sức khoẻ, nâng dần cường độ tập luyện theo thời gian.

Người bị huyết áp thấp không nên ngồi hoặc đứng dậy đột ngột, nên có tay vịn khi đứng dậy, đặc biệt đối với người cao tuổi. Người bệnh cần kiểm tra huyết áp thường xuyên.