Cô Hồ (46 tuổi, Chiết Giang, Trung Quốc) bị cảm từ đầu tháng 8 vừa qua với các biểu hiện như ho, ăn không ngon miệng. Khi đến bệnh viện nội soi dạ dày, các bác sĩ không phát hiện ra bệnh đường tiêu hóa nào trong người cô. Tưởng vậy là không sao, ấy thế mà sau 1 tháng, cô Hồ bắt đầu xuất hiện triệu chứng tức ngực, luôn cảm thấy khó thở.
Lần này đến bệnh viện, cô được chụp CT, các bác sĩ phát hiện lồng ngực của cô có nhiều khí và chất lỏng, phổi nặng như phổi bò, có thể là bệnh lao nên cần điều trị ngay! Nghe tin này, cô Hồ và gia đình vô cùng lo lắng nên đã lên bệnh viện tuyến trên để khám xét kĩ lưỡng hơn tại Khoa Phẫu thuật lồng ngực của Bệnh viện Chữ thập đỏ Hàng Châu.
Cô Hồ bị tràn dịch màng phổi lớn.
Sau khi nhập viện, cô Hồ được tiến hành nội soi lồng ngực trái và dẫn lưu, trong quá trình dẫn lưu, một lượng lớn dịch mủ chảy ra từ ống ngực.
Một lượng lớn dịch mủ chảy ra từ ống ngực của cô Hồ.
Sau khi có kết quả kiểm tra, bác sĩ phát hiện tất cả các chỉ số của cô Hồ đều không cho thấy cô bị nhiễm trùng lao hay khối u. Nhưng lại có một chỉ số bất thường trong quy trình xét nghiệm máu đã thu hút sự chú ý của các bác sĩ: bạch cầu ái toan của cô Hồ cao gấp 29.3 lần mức bình thường, cho thấy cô có thể bị dị ứng hoặc nhiễm ký sinh trùng!
Thực tế là cô Hồ không bị dị ứng mẩn ngứa, ngứa da và sốt, do đó, bác sĩ suy đoán có thể là nhiễm ký sinh trùng. Bác sĩ Zhong, người trực tiếp khám chữa cho cô bắt đầu tìm hiểu bệnh sử, ông hỏi cô Hồ: "Cô có thích ăn đồ sống và uống nước chưa sôi không?". Cô Hồ ngay lập tức trả lời là không. Bác sĩ lại hỏi tiếp: "Trước đây, cô có từng ăn đồ sống bao giờ chưa?". Cô Hồ chợt nhớ ra thói quen ăn cua lạ đời của mình cách đây mấy tháng.
Tháng 3 vừa rồi, cô phải phẫu thuật cột sống thắt lưng, trong quá trình hồi phục sức khỏe ở nhà, có người mách cô một mẹo là ăn cua sống có thể làm chắc xương. Không cần biết đúng hay không, cô ngay lập tức mua hơn 30 con cua sống về nhà, xay nhuyễn rồi ngâm với rượu gạo, sau vớt sạch bọt rồi đem ra ăn.
Các bác sĩ Bệnh viện Chữ thập đỏ Hàng Châu tiến hành kiểm tra sức khỏe cho cô Hồ.
Bác sĩ Zhong phân tích dịch tràn trong khoang ngực của cô là do một loại ký sinh trùng xâm nhập vào màng phổi, gây ra phản ứng viêm và dịch tiết ra gây nên tràn dịch. Sau khi xét nghiệm máu của cô Hồ để tìm ký sinh trùng, kết quả còn gây sốc hơn: các kháng thể đối với sán lá gan, sán lá phổi, toxoplasma, hydatid, sparganosis và cysticercus trong máu đều dương tính, tức cô nhiễm gần chục loại ký sinh trùng.
Bác sĩ Zhong cũng nói thêm: Ký sinh trùng rất phổ biến, cả người và động vật đều có thể là vật chủ của chúng. Một số ký sinh trùng "ẩn mình" trong vật chủ trung gian (như cua, ốc…), xâm nhập vào cơ thể người qua đường miệng, vỡ ra ở ống tiêu hóa, ấu trùng nhô ra và chui vào khoang bụng qua thành ruột, thậm chí xâm nhập vào khoang ngực và phổi qua cơ hoành dẫn đến nhiễm trùng ngực và hình thành các ổ áp xe.
Hải sản, thủy sản tươi, thịt phải nấu chín kỹ mới ăn được, nhất là cua, tôm sông, suối không ăn sống được vì sông suối là nguồn sinh sản của nhiều loại ký sinh trùng.
Một số ký sinh trùng cũng sẽ phát triển trưởng thành trong cơ thể người, ký sinh ở nhiều loại mô và cơ quan khác nhau như não, tủy sống, đường tiêu hóa, khoang bụng và mô dưới da… và tạo ra các triệu chứng tương ứng như trường hợp của cô Hồ, trong trường hợp nặng có thể gây ra những di chứng không thể hồi phục.
Do đó, bác sĩ Zhong khuyến cáo mọi người nên nhớ 3 việc sau:
- Không uống nước chưa sôi hoặc ăn thức ăn sống khi không đảm bảo.
- Rửa tay bằng nước và xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Hải sản, thủy sản tươi, thịt phải nấu chín kỹ mới ăn được, nhất là cua, tôm sông, suối không ăn sống được vì sông suối là nguồn sinh sản của nhiều loại ký sinh trùng.
Nguồn tham khảo: Kknews, Khỏe mạnh Hàng Châu, Bệnh viện Chữ thập đỏ Hàng Châu, Healthline. Ảnh: Bệnh viện Chữ thập đỏ Hàng Châu