Ung thư khi mới 17 tuổi
Theo thống kê của WHO năm 2018, Việt Nam là nước có tỉ lệ ung thư mắc mới ở cấp trung bình, tuy nhiên tỉ lệ tử vong lại cao. Tỉ lệ tử vong đối với các trường hợp mắc ung thư tăng cao như hiện nay chủ yếu do khi phát hiện, tình trạng bệnh thường đã ở giai đoạn cuối.
Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I (Bệnh viện K), cho biết trong quá trình thăm khám, bác sĩ đã gặp không ít trường hợp có nhiều người trong gia đình cùng mắc ung thư dạ dày. Tuy nhiên, ca bệnh mà bác sĩ ám ảnh nhất là trường hợp mắc ung thư dạ dày mới chỉ có 17 tuổi. Đây là độ tuổi còn quá trẻ đối với căn bệnh ung thư dạ dày.
Bệnh nhân 17 tuổi tới viện khám trong tình trạng có xuất huyết đường tiêu hoá. Trước đó, bệnh nhân đã khám tại y tế tuyến cơ sở, bác sĩ nghi ngờ ung thư nên đã khuyên bệnh nhân tới tuyến trên khám.
Bác sĩ Hà Hải Nam, ảnh BSCC
Theo bác sĩ Nam, khi xem kết quả khám của bệnh nhân 17 tuổi này, bác sĩ đã khá bất ngờ vì dạ dày có rất nhiều ổ loét. Trong đó, có ổ loét đã hình thành khối ung thư kích thước lớn.
Bác sĩ đã khuyên bệnh nhân nên nhập viện phẫu thuật cắt bỏ dạ dày và điều trị sớm.
"Khi hỏi thêm bệnh nhân thì tôi biết bố bệnh nhân nhiều năm trước cũng mất do mắc ung thư dạ dày khi 45 tuổi. Do vậy, chúng tôi suy đoán bệnh nhân 17 tuổi có yếu tố gen di truyền ung thư. Tuy nhiên, do bệnh nhân không có điều kiện làm giải trình gen nên chưa thể kết luận rõ ràng", bác sĩ Nam nói.
Đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày
Bác sĩ Nam lý giải ung thư dạ dày cũng có tỷ lệ nhất định liên quan tới yếu tố gia đình. Một số đối tượng khác có nguy cơ ung thư dạ dày cao hơn là:
- Người có viêm loét dạ dày, một số đột biến gen, hút thuốc lá, uống rượu bia, polyp dạ dày…
- Người có chế độ ăn quá cay, ăn nhiều thịt nướng, thịt ướp muối, hạt bị mốc, thực phẩm có chứa chất bảo quản không cho phép, thừa cân - béo phì...
Vậy viêm dạ dày mãn tính có làm tăng nguy cơ mắc ung thư hay không? Trả lời câu hỏi này, bác sĩ Nam cho hay viêm dạ dày mãn tính không được điều trị thì lâu dần sẽ tạo rá các tổn thương dị sản. Đây là yếu tố nguy cơ ung thư dạ dày. Do vậy, khi bị viêm dạ dày, người bệnh cần phải được điều trị dứt điểm và theo dõi sát sao.
"Đối với người có người nhà mắc ung thư thì nên tầm soát ung thư. Từ độ tuổi từ 35-40 tuổi nên đi khám tầm soát ung thư dạ dày", bác sĩ Nam khuyên.
Hiện nay, rất nhiều người lo ngại việc nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp) làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
"Nói có Hp dạ dày có nguy cơ mắc ung thư dạ dày thì hơi quá. Nhưng nguy cơ gần hơn đối với người có vi khuẩn Hp là có thể gây viêm và loét dạ dày. Do vi khuẩn trú ngụ tại niêm mạc dạ dày làm mất đi lớp nhầy bảo vệ khiến cho dạ dày nhạy cảm, dẫn tới bị ăn mòn và loét.
Nếu người bị viêm loét dạ dày có vi khuẩn Hp, việc viêm nhiễm tái đi tái lại nhiều lần sẽ gây ra bất thường (ung thư)", bác sĩ Nam nói.
Triệu chứng ung thư dạ dày
PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), chia sẻ ung thư dạ dày diễn biến rất âm thầm, triệu chứng thường nghèo nàn, ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng rõ ràng. Bệnh chỉ được phát hiện khi nội soi ống tiêu hoá.
Khi bệnh tiến triển, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như đau bụng, chán ăn, chậm tiêu, buồn ói, sụt cân…
Phòng ngừa ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày hoàn toàn có thể phòng ngừa và phát hiện sớm, bạn nên:
- Duy trì chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý, ăn các thức ăn chứa nhiều vitamin A, B, E.
- Hạn chế ăn đồ ăn mặn, ăn cay…
- Hạn chế ăn đồ hun khói, nướng, chiên
- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, chất kích thích
- Có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, điều độ. Giữ tâm lý thoải mái, giảm các căng thẳng của cuộc sống.
- Đối với những bệnh nhân có viêm loét, viêm teo dạ dày cần phải điều trị dứt điểm.