Bên cạnh quần áo, vỏ gối và ga trải giường có thể nói là thứ tiếp xúc với da nhiều nhất trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, cuộc sống quá bận rộn khiến nhiều người không có thời gian để làm sạch chúng thường xuyên. Mặt khác, rất nhiều người lại cho rằng vỏ gối và ga trải giường chỉ nằm trong nhà, chúng ta cũng chỉ ngủ 8 tiếng một ngày sau khi tắm rửa nên chúng rất lâu bẩn.
Ảnh minh họa
Điều này dẫn đến hầu hết chúng ta đều chỉ giặt chúng khi thấy những vết bẩn rõ ràng hoặc quá lâu ngày. Trong khi đó, rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng vỏ gối và ga giường rất nhanh bẩn và chứa nhiều vi khuẩn chúng ta không thể thấy bằng mắt thường. Tiến sĩ da liễu Hoàng Xuân (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bệnh tật nguy hiểm chứ không chỉ là ảnh hưởng tới làn da.
Vỏ gối và ga trải giường bẩn đến mức nào?
Để biết vỏ gối và ga trải giường lâu không giặt bẩn thế nào, một cuộc khảo sát của Đại học Bang North Carolina (Mỹ) đã được thực hiện trên 2.250 người trưởng thành. Khảo sát này tìm hiểu tần suất thay ga trải giường của mọi người và cho thấy: hơn 50% người dân có thói quen thay ga trải giường 4 tháng một lần, thậm chí có 12% người chỉ thay ga trải giường vào các dịp lễ, cuối năm hay ngày quan trọng.
Rất nhiều người chỉ giặt vỏ gối và ga giường khi nhìn thấy chúng quá bẩn (Ảnh minh họa)
Các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng nếu 1 tuần không được giặt, vỏ gối và ga trải giường sẽ tồn tại rất nhiều bụi bẩn, nấm mốc và vi khuẩn. Thậm chí, tổ nghiên cứu còn nhấn mạnh mức độ bẩn của vỏ gối và ga trải giường không giặt sau 1 tuần bằng cách so sánh là “bẩn như hang của tinh tinh”.
Tiến sĩ Hoàng Xuân cho biết, cách so sánh này thoạt nghe có vẻ hơi quá, nhưng số thực tế thì còn có thể kinh khủng hơn như vậy. Ông trích dẫn số liệu của khảo sát trên và báo cáo khoa học đăng tải trên Amerisleep - trang web uy tín nhất Hoa Kỳ về lĩnh vực sức khỏe giấc ngủ, kết quả cho thấy:
- Vỏ gối và ga giường không giặt sau 1 tuần: có thể sản sinh ra 3 triệu vi khuẩn, tức là gấp 17.000 lần so với bệ ngồi bồn cầu.
- Vỏ gối và ga giường không giặt sau 2 tuần: có thể sản sinh 5,98 triệu vi khuẩn.
- Vỏ gối và ga giường không giặt sau 3 tuần: có thể sản sinh 8,51 triệu vi khuẩn.
- Vỏ gối và ga giường không giặt sau 4 tuần: có thể sản sinh 10 triệu vi khuẩn.
Vỏ gối và ga giường bẩn gây hại sức khỏe ra sao?
Tiến sĩ Hoàng Xuân giải thích thêm rằng, chủ yếu các loại vi khuẩn có trên vỏ gối và ga giường lâu không giặt sinh sôi từ mồ hôi, da chết và tóc của chúng ta. Trong đó phổ biến như vi khuẩn Bacteroides, Neisseria, trực khuẩn và các loại khuẩn que gram.
Ảnh minh họa
Kết quả nghiên cứu của Amerisleep cũng đưa ra kết luận rằng có 4 chủng loại vi khuẩn cực kỳ ưa thích trú ngụ tại vỏ gối và ga giường. Cụ thể:
- 24.94% Gram-Positive Rods (Khuẩn que gram dương)
- 41.45% Gram-Negative Rods (Khuẩn que gram âm)
- 23.38% Bacilli (Trực khuẩn)
- 10.23% Gram-Positive Cocci (Khuẩn cầu gram dương)
Như vậy, chủng loại phổ biến nhất là Khuẩn que gram âm. Đây là loại vi khuẩn mang đến bệnh viêm phổi cũng như các loại nhiễm trùng nguy hiểm khác. Ngoài ra, phần lớn những loại Khuẩn que gram âm rất nguy hiểm và có thể dẫn đến sự kháng kháng sinh. Trực khuẩn thì góp phần trong việc gây ra ngộ độc thực phẩm và nhiễm trùng. Trong khi đó, khuẩn que gram dương lại thường vô hại với con người, chủ yếu chỉ gây ra ngứa ngáy, khó chịu cho da.
Vi khuẩn trên vỏ gối và ga giường không chỉ hại da mà còn gây nhiều bệnh tật nguy hiểm (Ảnh minh họa)
Để phân tích tác hại của vi khuẩn Bacteroides và Neisseria, Tiến sĩ Hoàng Xuân trích dẫn cảnh báo từ báo cáo khoa học trong Tạp Chí Bác Sĩ Cấp Cứu Đài Loan. Cho thấy Bacteroides là 1 trong những chủng phổ biến gây viêm ruột thừa cấp tính. Neisseria là tác nhân phổ biến gây bệnh lậu cầu khuẩn.
Ngoài ra, các loại nấm mốc, vi khuẩn khác trên vỏ gối và ga giường bẩn còn có thể gây ngứa, dị ứng, nổi mụn, sưng tấy, mẩn đỏ… cũng như nhiều bệnh da liễu khác.
Bao lâu thì nên giặt vỏ gối và ga giường một lần?
Theo Tiến sĩ Hoàng Xuân, chúng ta nên hình thành thói quen giặt vỏ gối và ga giường 1 - 2 lần mỗi tuần. Đặc biệt là với những người hay đổ mồ hôi đêm, gia đình có trẻ nhỏ, người hay bôi kem dưỡng da khi ngủ, người nhiều da chết hay bị rụng tóc nhiều.
Ảnh minh họa
Tần suất giặt ga giường và vỏ gối của nhóm đối tượng này nên là 2 - 3 lần mỗi tuần. Còn nếu bạn đang mắc hoặc điều trị các bệnh về phổi, da liễu thì tốt nhất là thay chúng cách ngày và chọn loại ít bám bụi, dễ giặt sạch cũng như nhanh khô hơn.
Tiến sĩ Hoàng Xuân nhấn mạnh thêm, vỏ gối và ga giường khi mới mua về không được dùng ngay. Chúng cần được giặt sạch và phơi khô dưới nắng hoặc sấy khô hoàn toàn rồi mới sử dụng được.
Thêm một số lưu ý khi giặt vỏ gối, ga giường theo chất liệu cũng được ông chia sẻ như sau:
- Chất liệu cotton: nên sử dụng chất tẩy rửa trung tính hoặc những loại xà phòng chứa kiềm, không sử dụng xà phòng tổng hợp để giặt.
- Chất liệu lụa Tencel và vải mềm: nên dùng chất tẩy rửa nhẹ nhàng. Khi giặt nên lộn mặt trái của sản phẩm ra ngoài tránh bạc màu hoặc làm mờ các họa tiết trang trí.
- Chất liệu Microfibe: giặt tay hoặc máy đều được nhưng nên chọn chế độ giặt phù hợp. Sử dụng chất tẩy rửa nhẹ, lành tính để không làm mất màu sản phẩm. Có thể sử dụng nước giặt thay thế bột giặt để tránh cặn đọng lại trong bộ ga gối khi giặt xong.
- Chất liệu cotton lụa: không nên ngâm trong nước quá lâu, phải giặt bằng tay và tuyệt đối không được vắt hay giặt trong máy.
- Chất liệu polyester: không nên giặt bằng nước ở nhiệt độ cao và cũng phải giặt bằng tay nếu không sẽ hỏng sản phẩm.
Đặc biệt, không giặt chung hay phơi chung vỏ gối và ga giường với tất hay đồ lót. Khi phơi nên lộn mặt trái lại để tránh ánh nắng chiếu thẳng vào mặt vải chính, dễ bị phai màu, bụi bẩn ngoài không khí bám vào.
Nguồn và ảnh: Good Morning Health, Amerisleep, Healthline