Với người bệnh có tiền sử dị ứng và từng bị dị ứng hải sản nên thận trọng khi ăn. Ảnh minh họa
Dị ứng nặng sau khi ăn hải sản
Tôm hùm vốn được xem là "sơn hào, hải vị" chỉ dành cho người có điều kiện về kinh tế, nhưng những ngày gần đây, thị trường ngập tràn với giá rẻ chưa từng thấy vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Trung Quốc đóng biên. Nhiều gia đình đã tranh thủ mua về để cải thiện cho gia đình.
Thấy giá tôm rẻ, anh N.V.H (ở Hà Đông, Hà Nội) đã mua về vừa để bồi bổ sức khỏe cho gia đình cũng vừa là để "ủng hộ bà con". Anh và gia đình ăn liên tiếp hai ngày liền. Sau hai ngày ăn hải sản, cơ thể anh xuất hiện các nốt xuất huyết tím vùng cẳng chân, đùi, hai tay nên đã vào viện khám ngay. Các bác sĩ đã thực hiện xét nghiệm và chẩn đoán mắc viêm mao mạch dị ứng có biến chứng cầu thận. Được điều trị tích cực, may mắn anh đã ổn định, các tổn thương trên cơ thể mờ dần. Theo chia sẻ của anh, anh từng có tiền sử dị ứng hải sản, đã uống thuốc nhưng không tái phát. Nghĩ ăn không sao nên đã ăn lại, không ngờ gặp phải tình trạng vậy.
Trước trường hợp anh H, tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec cũng từng cứu một trường hợp dị ứng nặng vì hải sản. Sau khi ăn, bệnh nhân gặp phải tình trạng khó thở, ngạt mũi, kèm theo ngứa, nổi mẩn đỏ toàn thân. Theo tìm hiểu bệnh cảnh của bệnh nhân thì anh này cũng từng có tiền sử dị ứng hải sản song chủ quan. Khi vào viện, bác sĩ xác định bị phản vệ nặng độ II do dị ứng thức ăn.
BS Lê Thị Hường, chuyên khoa Da liễu (Bệnh viện Đa khoa Medlatec) cho biết, dị ứng là phản ứng của cơ thể với yếu tố bên ngoài có thể do thuốc, thức ăn, đồ uống hay thời tiết… Đây là tình trạng hay gặp ở nhiều người. Biểu hiện khi dị ứng thường cơ thể sẽ xuất hiện những biểu hiện như mày đay, viêm da tiếp xúc, viêm mao mạch dị ứng, phản vệ… Không ít trường hợp, tình trạng dị ứng nặng nề hơn khi xuất hiện phản vệ pha 2 - tức rơi vào tình trạng phản vệ sau đó dù đã được xử lý cấp cứu.
Đặc biệt là có trường hợp bệnh nhân có triệu chứng sốc phản vệ khi có trụy tim mạch với các triệu chứng sốc như da tái lạnh, mạch nhanh nhỏ, nổi vân tím, tụt huyết áp… Trường hợp dị ứng hải sản tối cấp như co thắt thanh quản, sốc phản vệ nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong rất nhanh.
Chuyên gia cũng cho rằng, hải sản là nhóm thức ăn gây dị ứng nhiều nhất trong số các trường hợp bị dị ứng thực phẩm. Các loại hải sản có thể gây dị ứng như tôm hùm, cua, ghẹ, sá sùng… Những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn những loại hải sản trên. Đừng vì ham giá rẻ mà cố ăn. Ngoài ra, trẻ nhỏ nguy cơ dị ứng rất cao, nhất là với những loại hải sản "lạ" chưa từng ăn do hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh. Tốt nhất không cho trẻ thử hải sản lạ, với hải sản thông thường cũng chỉ nên cho bé tập ăn thử một ít, nếu sau đó thấy an toàn mới ăn tăng lên.
Điều cần lưu ý để tránh sốc phản vệ
BS Hường nhấn mạnh rằng, những trường hợp đã có tiền sử dị ứng với hải sản nhưng vẫn ăn và không có thuốc dự phòng là điều rất nguy hiểm. Nếu trong trường hợp không gần cơ sở y tế nào thì có thể gây hậu quả khôn lường. Bởi vậy, bệnh nhân có dị ứng nên được khám, điều trị và theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa. Với người có tiền sử dị ứng và từng bị dị ứng, nên trang bị dự phòng thuốc trong người.
Người bệnh cũng cần lưu ý các nguyên tắc sau để phòng ngừa, giảm thiểu những tình trạng dị ứng, tai biến sốc phản vệ không đáng có:
Với người bệnh có tiền sử dị ứng và từng bị dị ứng nên trang bị dự phòng thuốc chống dị ứng trong người.
Nếu xuất hiện dấu hiệu bất thường khi đang dùng thuốc như đỏ ban trên da, khó thở, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, người bệnh cần nói ngay với bác sĩ để dừng lại và xử lý kịp thời.
Không tự ý mua và sử dụng thuốc, tiêm truyền tại nhà. Nên đến cơ sở y tế để được theo dõi. Việc dùng thuốc cần theo chỉ định của bác sĩ.
Không ăn thực phẩm từng gây dị ứng, phản vệ. Chẳng hạn từng dị ứng với tôm nên tránh ăn tôm, món ăn mà có thành phần hải sản này.
Dị ứng hải sản cũng như các loại thực phẩm khác, cần loại trừ chất gây dị ứng ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt. Theo ThS.BS Đông y Hoàng Khánh Toàn (Bệnh viện Quân y 108) khi biết dị ứng, ngộ độc hải sản mọi người cần lưu ý gây nôn sau bữa ăn để loại trừ chất độc ra khỏi cơ thể. Sơ cứu bằng cách cho bệnh nhân uống nhiều nước, những bài thuốc dân gian để trị bệnh như dùng gừng kết hợp với đậu xanh, lá tía tô để nấu ăn cũng rất tốt sẽ giúp trung hòa bớt độc tính.
Những trường hợp ngộ độc hải sản có thể dùng lá tía tô tươi 50g sắc với 3 bát nước lấy 1 bát uống trong ngày. Hoặc dùng rau diếp cá và lá tía tô mỗi thứ 50 g sắc uống; dùng nước sắc lá sim, lá ổi, núm hoa chuối tiêu, vỏ măng cụt… sao vàng sắc đặc cho uống cũng rất tốt.
Hiện giá hải sản rẻ hơn, nhiều người vì vậy cũng sẽ mua cải thiện bữa ăn cho gia đình. Dù hải sản giàu dinh dưỡng nhưng ăn uống cũng cần đúng cách để không gây hại sức khỏe. Để tránh những nguy hại không đáng có khi ăn hải sản, các chuyên gia khuyến cáo mọi người không nên ăn hải sản đã chế biến từ lâu. Hải sản đã chết, đặc biệt là cua chết càng lâu càng sinh ra nhiều độc tố lượng histamin, khi ăn vào càng dễ bị dị ứng, ngộ độc.
Hải sản vốn dĩ đã có sẵn tính hàn nên khi ăn cần tránh ăn kèm với thực phẩm có nhiều tính hàn dễ làm đầy bụng, khó tiêu như rau muống, dưa hấu, lê, nước lạnh... Hoặc cũng lưu ý ăn hải sản với thực phẩm giàu vitamin C vì hải sản chứa hàm lượng lớn Asen pentavenlent. Bình thường những chất này không gây hại cho cơ thể nhưng khi chúng kết hợp sẽ chuyển hóa thành thạch tín gây ngộ độc cấp ảnh hưởng đến tính mạng.