Bé gái đầu tiên là con của sản phụ N.T. T (34 tuổi, trú tại Vĩnh Phúc). Trước đó, chị T. đã sinh 2 bé trai và thực hiện kế hoạch hoá gia đình bằng phương pháp đặt vòng cách đây 5 năm. Khoảng 6 tháng trước, chị cảm thấy người mệt mỏi nên đến viện thăm khám mới phát hiện đã mang thai gần 13 tuần.
Qua các lần thăm khám, bác sĩ phát hiện thai nhi có tình trạng dây rốn 2 mạch máu – tình trạng này làm tăng nguy cơ chậm tăng trưởng ở thai nhi. Do đó, chị T. được tư vấn và hướng dẫn quản lý thai nghén chặt chẽ. Khi thai nhi được 39 tuần tuổi, chị T. nhập viện và được chỉ định phẫu thuật lấy thai, bé gái chào đời khoẻ mạnh với cân nặng 2.6kg. Các bác sĩ sau đó đã lấy vòng tránh thai ra khỏi tử cung cho sản phụ T.
Em bé chào đời cùng vòng tránh thai của mẹ.
Ngay sau ca mổ này, các bác sĩ tiếp tục thực hiện phẫu thuật cho sản phụ T. T.N (39 tuổi, trú tại Hưng Yên). Điều bất ngờ là sau khi đón bé trai chào đời khoẻ mạnh nặng 3.5kg, các bác sĩ cũng tìm thấy vòng tránh thai trong tử cung của người mẹ. Chị N. cho biết đã đặt vòng tránh thai được 11 năm và chưa từng tháo vòng ra.
“Em bé chào đời khi trong tử cung người mẹ vẫn còn vòng tránh thai vốn đã là điều hiếm gặp, liên tiếp thực hiện phẫu thuật 2 ca như vậy trong cùng một buổi sáng quả là sự trùng hợp hi hữu từ trước đến nay” – ThS. Hoàng Thị Chung – Trưởng khoa Sản 1, người trực tiếp thực hiện phẫu thuật cho cả 2 sản phụ chia sẻ.
Theo bác sĩ Chung, thực tế không có phương pháp tránh thai nào đạt hiệu quả tránh thai tuyệt đối, phương pháp nào cũng có xác suất rủi ro. Vì vậy, chị em phụ nữ sau khi đặt vòng tránh thai cần phải tái khám sau 1 tháng để xác định lại vòng đã đặt đúng vị trí và khám định kỳ mỗi 6 tháng. Trường hợp để vòng quá hạn hay vòng đi lạc chỗ sẽ có những nguy hiểm hoặc biến chứng gây ảnh hưởng tới sức khoẻ sinh sản.