Hiểu thế nào về xét nghiệm SARS-CoV-2 mẫu gộp hộ gia đình?

Phương pháp xét nghiệm SARS-CoV-2 dựa trên mẫu gộp từng được áp dụng trong đợt dịch Covid-19 ở Đà Nẵng tiếp tục được áp dụng tại TP HCM đối với nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất và các hộ gia đình liên quan các ca nhiễm.

Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM xung quanh vấn đề xét nghiệm mẫu gộp.

* Phóng viên: Thưa bác sĩ, chúng ta nên hiểu thế nào về xét nghiệm mẫu gộp?

- TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu: Tác dụng chính của xét nghiệm SARS-CoV-2 mẫu gộp là giúp xét nghiệm được nhiều người hơn trong một thời gian ngắn.

Có thể hiểu như sau: mẫu dịch phết mũi họng của vài cá nhân sẽ được gộp lại thành một mẫu gộp để xét nghiệm. Nếu phát hiện mẫu gộp nào dương tính, các cá nhân sẽ được xét nghiệm đơn lẻ lần nữa để xác định ai hoặc những ai trong số họ là người dương tính. Xét nghiệm được thực hiện theo phương pháp Realtime PCR (RT-PCR).

Hiểu thế nào về xét nghiệm SARS-CoV-2 mẫu gộp hộ gia đình? - 1

Lấy mẫu xét nghiệm tại khu Mả Lạng, quận 1, nơi liên quan đến 1 trong 5 nhân viên sân bay mắc Covid-19 - Ảnh: TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TP HCM

*Dạng xét nghiệm này cho kết quả như thế nào với xét nghiệm thông thường? Xét nghiệm mẫu gộp hộ gia đình và xét nghiệm mẫu gộp từ cộng đồng như ở Đà Nẵng hay sân bay Tân Sơn Nhất có gì khác nhau?

BS Nguyễn Vĩnh Châu là một trong các thành viên của nhóm nghiên cứu công trình "Áp dụng mẫu gộp để sàng lọc SARS-CoV-2 hàng loạt khi bùng phát Covid-19 ở Việt Nam", công bố trên tạp chí khoa học The American Journal of Tropical Medicine and Hygiene tháng 1-2021.

Nhóm nghiên cứu có sự tham gia của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng, Sở Y tế Đà Nẵng, Đại học Kỹ thuật - Y Dược Đà Nẵng, Viện Pasteur Nha Trang, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford, Khoa Y Nuffield từ Trung tâm Y học Nhiệt đới và Sức khỏe toàn cầu Đại học Oxford (Vương Quốc Anh).

- Trong nghiên cứu của chúng tôi, việc xét nghiệm mẫu gộp với mỗi mẫu chứa từ 2-7 mẫu đơn ở Đà Nẵng đã giúp xét nghiệm 96.123 người trong vòng 14 ngày, chia thành 22.290 mẫu gộp.

Ước tính làm cách thông thường sẽ mất đến 64 ngày. Phương pháp còn giúp tiết kiệm đến 77% sinh phẩm xét nghiệm. Nghiên cứu này cũng bao gồm các thử nghiệm so sánh độ nhạy của xét nghiệm RT-PCR khi xét nghiệm mẫu gộp và mẫu đơn lẻ, kết quả cho thấy độ nhạy không thay đổi.

Mẫu gộp hộ gia đình hay mẫu gộp giữa các cá nhân khác trong cộng đồng về cơ bản giống nhau về mặt xét nghiệm, cũng đều là mẫu gộp. Nhưng lấy mẫu gộp hộ gia đình thì có phần thuận tiện hơn.

* Ông đánh giá như thế nào về giá trị của phương pháp xét nghiệm này trong việc khoanh vùng các ổ lây nhiễm?

- Tất nhiên là có giá trị lớn vì giúp chúng ta xác định được các ca bệnh nhanh hơn, F1, F2 đã dương tính chưa để tiến hành truy vết, có biện pháp cách ly kiểm dịch phù hợp. Những điều này làm càng nhanh thì việc khoanh vùng ổ lây nhiễm càng nhanh và hiệu quả.

Còn việc xét nghiệm theo mẫu gộp hay không, ai xét nghiệm mẫu gộp... sẽ theo kế hoạch của Bộ Y tế và các cơ quan liên quan, người dân cần bình tĩnh làm theo hướng dẫn của cơ quan y tế khi biết mình liên quan đến các ca bệnh, ca nghi nhiễm.

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 giữa Bộ Y tế và UBND TP HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu TP HCM khoanh vùng nhanh các địa bàn có người mắc, lấy mẫu triệt để. Để xét nghiệm nhanh, ông Nguyễn Thanh Long đề nghị F1 xét nghiệm đơn lẻ, còn cộng đồng thì xét nghiệm mẫu gộp. Nên lấy mẫu gộp hộ gia đình, mẫu nào dương tính thì đưa toàn bộ gia đình đó đi cách ly và xét nghiệm lần 2.