Để đảm bảo thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 theo đúng quy định, ngày 27/8, BHXH Việt Nam ban hành công văn gửi BHXH các tỉnh, thành phố; BHXH Bộ Quốc phòng; BHXH Công an nhân dân (gọi chung là BHXH tỉnh) về việc thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 theo chế độ BHYT.
Người dân xét nghiệm COVID-19.
Theo đó, BHXH Việt Nam hướng dẫn việc thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 theo chế độ BHYT như sau:
Đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế: Quỹ BHYT không thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19.
Đối với người có thẻ BHYT đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT được chỉ định xét nghiệm COVID-19 theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp gồm:
Người bệnh có sốt và/hoặc viêm đường hô hấp cấp tính, không lý giải được bằng các nguyên nhân khác; Người bệnh có bất kỳ triệu chứng hô hấp nào và có tiền sử đến/qua/ở/về từ vùng dịch tễ có bệnh COVID-19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng hoặc tiếp xúc gần với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định COVID-19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng.
Chi phí xét nghiệm COVID-19 của các trường hợp nêu trên được thanh toán như sau:
Đối với trường hợp có kết quả xét nghiệm COVID-19 dương tính, người bệnh bị áp dụng biện pháp cách ly y tế theo quy định: Quỹ BHYT không thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19.
Đối với trường hợp kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính: Quỹ BHYT thanh toán theo quy định của pháp luật về khám chữa bệnh BHYT:
Người bệnh đi khám chữa bệnh đúng tuyến: Thanh toán theo mức hưởng của đối tượng và theo chế độ khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến.
Người bệnh đi khám chữa bệnh không đúng tuyến: Thanh toán theo mức hưởng của đối tượng và theo chế độ khám chữa bệnh BHYT không đúng tuyến.
Bộ Y tế cho biết, tính đến 18h ngày 27/8, Việt Nam có tổng cộng 1036 ca mắc COVID-19 trong đó có 688 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước: Số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay: 548 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 70.916, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 1.596; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 18.828; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 50.492.
Đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế theo quy định tại các Khoản 2, 3 và 4 Điều 1 Nghị định số 101/2010/NĐ-CP đối với các đối tượng sau: 2. Biện pháp cách ly tại cơ sở y tế áp dụng đối với các trường hợp: a) Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đang khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế và người mắc dịch bệnh thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B đang lưu trú tại vùng có bệnh dịch; b) Người đang bị áp dụng biện pháp cách ly y tế theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều này nhưng có dấu hiệu tiến triển thành mắc bệnh truyền nhiễm. 3. Biện pháp cách ly y tế tại cửa khẩu áp dụng đối với các trường hợp: a) Người, phương tiện, hàng hóa xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh Việt Nam có khai báo của chủ phương tiện vận tải hoặc có bằng chứng rõ ràng cho thấy trên phương tiện vận tải, người, hàng hóa có dấu hiệu mang mầm bệnh dịch thuộc nhóm A; b) Người xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam. 4. Biện pháp cách ly y tế tại các cơ sở, địa điểm khác áp dụng đối với các trường hợp số lượng người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam thuộc quy định tại khoản 3 Điều này vượt quá khả năng tiếp nhận cách ly của cửa khẩu hoặc số lượng người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá khả năng tiếp nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại vùng có dịch. |