hôm nay Tổng ca nhiễm Ca tử vong
Theo BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, SARS-CoV-2 lây truyền qua giọt bắn và aerosol.
71% số người bệnh, người khởi phát không có triệu chứng phát tán virus sống trong khoảng 1 đến 6 ngày trước khi biểu hiện nặng lên.
Bệnh nhân COVID-19 nhẹ và trung bình phát tán virus sống trong hơn 1 tuần nhưng tải lượng virus ở hầu họng cao nhất vào ngày thứ 4 và càng những ngày sau càng giảm dần.
BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: BYT)
Có nghiên cứu xác nhận sau ngày thứ 10 của bệnh, xác suất nuôi cấy virus giảm xuống còn 6%. Cũng có nghiên cứu khác cho thấy, dù xét nghiệm PCR còn dương tính, nhưng không còn virus sống ở hầu họng bệnh nhân sau ngày thứ 7 hoặc 8.
Tuy nhiên, ở nhóm bệnh nhân nặng và nguy kịch, sự phát tán virus sống có thể kéo dài hơn đến tận 20 ngày.
WHO cũng nhìn nhận có thể dỡ bỏ cách ly với những bệnh nhân ổn định sau ngày thứ 10.
Hơn nữa, thông thường test nhanh kháng nguyên có thể âm tính giả so với PCR nếu tải lượng virus thấp. Do đó, có thể coi những ca test nhanh âm tính là không có nguy cơ lây nhiễm, chứ không cần đến đo CT-value >30.
Với hơn 60.000 bệnh nhân COVID-19 hiện nay, việc đảm bảo nơi điều trị là áp lực rất lớn đối với ngành y tế.
“Việc cho các bệnh nhân ổn định sau ngày thứ 10 hoặc sớm hơn nếu test nhanh kháng nguyên âm tính có thể ra viện về cách ly tại nhà hay bất kỳ nơi nào phù hợp là biện pháp giúp giảm áp lực giường bệnh”, BS Cấp nói.
Vậy có nên cho bệnh nhân F0 nhẹ cách ly tại nhà luôn từ đầu không? Theo BS Cấp, nhiều nghiên cứu ước tính nguy cơ lây nhiễm cho một cá thể trong hộ gia đình có ca F0 từ 11-19%.
Với điều kiện nhà ở của Việt Nam có diện tích nhỏ, ít phòng khép kín và gia đình thường 4-5 người thì nguy cơ này có thể tính trên dưới 20%.
Cũng theo BS Cấp, với 48.000 ca F0 nhẹ nếu còn tải lương virus cao mà về cách ly tại nhà thì chỉ trong 1 tuần ta sẽ có thêm khoảng 38 000 ca lây nhiễm tại gia đình, và trong số này sẽ có 7600 ca nặng và có thể hàng 1-2 ngàn người diễn biến đến mức phải thở máy.
“Nguồn lực về máy thở, thầy thuốc hồi sức cấp cứu đáp ứng được có thể sẽ rất khó khăn. Hơn nữa hệ thống y tế gia đình và vận chuyển cấp cứu của ta còn hạn chế, khó phát hiện sớm diễn biến nặng và vận chuyển kịp thời nên số ca nặng có thể còn cao hơn nữa. Tất nhiên, nếu dịch bệnh đã vượt quá khả năng kiểm soát thì ngay cả những nước có tiềm lực mạnh cũng phải chấp nhận không kiểm soát F0 mà dồn nguồn lực vào cho bệnh nhân nặng”, BS Cấp cho hay.