Theo News-Medical, các nhà khoa học từ Trường Đại học California ở San Francisco (USCF) chứng minh rằng ăn mặn trên mức bình thường không chỉ làm tăng nguy cơ bệnh cao huyết áp mà còn có thể thúc đẩy bệnh chàm trở nên nặng hơn.
Thói quen ăn mặn có thể gây nên nhiều tình trạng sức khỏe đáng ngại - Ảnh AI: Anh Thư
Theo bài công bố trên tạp chí y học JAMA Dermatology, các tác giả đã nghiên cứu trên dữ liệu của hơn 215.000 người từ 30-70 tuổi, thu thập bởi Biobank (ngân hàng dữ liệu sinh học của Anh).
Bộ dữ liệu này cho thấy mỗi gam natri bổ sung trong 24 giờ có liên quan đến nguy cơ bị chẩn đoán bệnh chàm cao hơn 11%, nguy cơ bệnh liên tục tái diễn và kéo dài cao hơn 16% và nguy cơ bệnh trở nên nghiêm trọng cao hơn 11%.
Sau đó, các tác giả tiếp tục phân tích dữ liệu của 13.000 người Mỹ thu thập bởi một cuộc khảo sát quốc gia ở Mỹ và chỉ ra nguy cơ bùng phát một đợt bệnh chàm sẽ tăng trung bình 22% nếu bạn ăn thêm 1 g muối mỗi ngày.
Bệnh chàm - eczema, viêm da dị ứng, viêm da cơ địa - là một bệnh mạn tính khiến da khô, ngứa và là một trong những vấn đề da liễu phổ biến nhất.
Một thống kê tại Mỹ cho thấy cứ 10 người thì có 1 người sẽ phải đối diện với bệnh chàm vào giai đoạn nào đó trong đời.
Theo các tác giả, bệnh này ngày càng phổ biến trong những năm gần đây theo tiến trình công nghiệp hóa, liên quan đến các yếu tố môi trường và lối sống như chế độ ăn uống.
Trong bối cảnh đó, nỗ lực giảm ăn mặn là chiến lược để phòng ngừa khởi phát và tái phát bệnh chàm, cũng như nhiều vấn đề tim mạch - chuyển hóa khác, đặc biệt là bệnh cao huyết áp.
Đây là một phát hiện rất đáng lưu ý, đặc biệt là ở các quốc gia có "truyền thống" ăn mặn như một số nước châu Á, bao gồm Việt Nam.
Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một người trưởng thành không nên tiêu thụ quá 5 g muối (tương ứng với 2 g natri) mỗi ngày.
Trong khi đó, theo một khảo sát được Bộ Y tế nước ta công bố vài năm trước, một người Việt hiện ăn trung bình 9,4 g muối mỗi ngày, gần gấp đôi khuyến nghị của WHO.