Thế giới chưa có thuốc đặc trị cũng như vaccine phòng virus Corona Vũ Hán (nCoV), nên phương pháp điều trị được cá thể hóa tùy mỗi bệnh nhân.
Dấu hiệu phát hiện nhiễm virus Corona Vũ Hán (nCoV)
Khi nhiễm virus Corona, người bệnh bị các bệnh liên quan tới đường hô hấp trên ở mức từ nhẹ tới trung bình, tương tự như chứng cảm lạnh thông thường.
Các triệu chứng biểu hiện của nhiễm virus Corona Vũ Hán (nCoV) gồm: chảy nước mũi, ho, đau họng, đau đầu và sốt. Các triệu chứng này có thể kéo dài trong vài ngày. Với những người có hệ miễn dịch yếu, người cao tuổi và trẻ em, có khả năng virus Corona còn gây các bệnh liên quan đường hô hấp dưới như viêm phổi hay viêm cuống phổi.
Virus nCoV là bệnh lây qua đường hô hấp. Dấu hiệu của bệnh là sốt, ho, khó thở, biểu hiện như là viêm phổi cấp, càng được chú ý đối với những người đi từ Trung Quốc về hoặc người đi từ vùng dịch về, người có nguy cơ tiếp xúc với người bệnh.
Do đây là bệnh viêm phổi do virus nCoV, thuốc kháng sinh không có tác dụng, các loại thuốc chống virus hiện tại được dùng cho bệnh cúm thông thường cũng không hiệu quả.
Người nhiễm nCoV được điều trị ra sao?
Theo ThS Võ Ngọc Anh Thơ, Phó trưởng khoa bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy TP.HCM, hiện trên thế giới chưa có thuốc điều trị cũng như vaccine phòng với chủng virus nCoV này. Do vậy phương pháp điều trị được cá thể hóa tùy mỗi bệnh nhân với các đặc trưng về độ tuổi, bệnh lý nền. Hiện tại phương pháp điều trị là: Điều trị triệu chứng, nâng đỡ tổng trạng, điều trị bệnh lý nền, tập vật lý trị liệu hô hấp, súc họng, cách ly bệnh nhân ở phòng bệnh thông thoáng, có ánh nắng.
Đây là bệnh lý nhiễm siêu vi hô hấp nên khi hết bệnh, xác định được virus âm tính hai lần liên tiếp qua các mẫu bệnh phẩm cũng có nghĩa là virus đã được thải trừ thành công, không giống như các lọai siêu vi khác như HIV, HBV, HCV.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, việc điều trị đối với bệnh nhân nhiễm nCoV được thực hiện theo hướng dẫn chẩn đoán bệnh do Bộ Y tế ban hành. Ông Lâm cũng nhấn mạnh hiện chưa có thuốc điều trị và vaccine phòng với chủng virus nCoV này, nên việc điều trị chủ yếu điều trị tích cực triệu chứng, và quan trọng là phát hiện kịp thời tình trạng do nhiễm bệnh gây ra như suy hô hấp, suy thận và các tình trạng khác.
Điều trị hỗ trợ với bệnh nhân nhiễm virus nCoV, trong mỗi tình trạng cụ thể, bác sĩ có xử lý khác nhau. Theo đó nếu bệnh nhân ho nặng và nhiều, bác sĩ sẽ cho dùng thuốc giảm ho, sẵn có; Bệnh nhân sốt dùng hạ sốt, dịch truyền paracetamol theo đúng liều lượng…
Nếu bệnh nhân rối loạn nước điện giải hoặc dinh dưỡng thì dùng các dịch truyền cơ bản để điều trị, bổ sung điện giải, dinh dưỡng. Với trường hợp nhiễm khuẩn, bội nhiễm viêm phổi, sẽ được chỉ định dùng kháng sinh phổ rộng, đặc trị cho các chủng vi khuẩn gây viêm phổi. Với các bệnh nhân có thêm các bệnh lý khác như tiểu đường, huyết áp, dùng thêm thuốc điều trị...
Cũng theo ông Lâm, các loại thuốc điều trị này hiện đang được các bệnh viện sử dụng hàng ngày, không thiếu thuốc. Hiện Bộ cũng liên hệ nguồn cung, cơ sở cung ứng để đảm bảo đủ nhu cầu; Đồng thời, chỉ đạo cơ sở y tế trên cả nước sẵn sàng thuốc phục cho mùa dịch này. Trong trường hợp mua sắm đấu thầu nếu có thiếu thuốc, phải thực hiện hình thức mua sắm khẩn cấp tuyệt đối không để tình trạng thiếu thuốc.