Không phải tiêm hay theo dõi sau tiêm, đây mới là khâu quan trọng nhất, cần sự chung tay của người được tiêm vắc xin Covid-19 để đảm bảo an toàn

Các chuyên gia cho rằng người được tiêm vắc xin nên chung tay, hỗ trợ các y bác sĩ trong khâu quan trọng nhất này để đảm bảo an toàn cho chính họ cũng như giúp vắc xin phát huy hiệu quả cao.

Hiện nay, việc thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Việt Nam được thực hiện theo 6 bước như sau:

1. Sàng lọc phơi nhiễm Covid-19 (Tiếp đón bệnh nhân và sàng lọc Covid-19; Kê khai y tế Online).

2. Tiếp đón và nhận phiếu tiêm chủng (Cung cấp thông tin cho cán bộ tiếp đón nhập vào phần mềm tiêm chủng quốc gia; Nhận phiếu tiêm chủng; Đo huyết áp).

3. Khám sàng lọc tư vấn, chỉ định (Khai báo cụ thể tiền sử bệnh tật, dị ứng (nếu có); Nghe tim và khám sàng lọc).

4. Chốt tiêm vắc xin Covid-19.

5. Tiêm vắc xin Covid-19 (Tiêm vắc xin Covid-19 theo chỉ định; Nhận thẻ theo dõi sau tiêm).

6. Theo dõi sau tiêm (Ghi thông tin cá nhân vào sổ theo dõi theo quy định; Chờ 30 phút sau tiêm, kết thúc và ký xác nhận tên).

Trong đó, khâu được coi là quan trọng nhất không phải là tiêm hay theo dõi sau tiêm mà là việc khám sàng lọc. PGS. TS Lê Thị Thanh Xuân, Trưởng phòng Tiêm chủng, Đại học Y Hà Nội khẳng định: “Trong công tác tiêm chủng, bất kể một loại vắc xin nào thì công tác khám sàng lọc là khâu quan trọng nhất, phải khai thác rất cụ thể các tiền sử dị ứng (với thuốc, thức ăn, thời tiết, hóa mỹ phẩm, côn trùng đốt...), bệnh lý nền…”.

Không phải tiêm hay theo dõi sau tiêm, đây mới là khâu quan trọng nhất, cần sự chung tay của người được tiêm vắc xin Covid-19 để đảm bảo an toàn - Ảnh 1.

Từ trái sang: PGS. TS Lê Thị Thanh Xuân, PGS. TS Hoàng Bùi Hải, PGS. TS Hồ Thị Kim Thanh

Điều này là do “khám sàng lọc trước khi tiêm giúp chúng ta sàng lọc để lựa chọn những đối tượng phù hợp và nhằm mục đích cuối cùng là đảm bảo an toàn, bởi có những người cần phải thận trọng hơn nhằm tránh những phản ứng phụ không mong muốn có thể xảy ra trong lúc tiêm”, PGS. TS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội giải thích.

Có nhiều người mong muốn tiêm nên họ giấu thông tin khi khám sàng lọc. Tôi vẫn nhớ mãi một trường hợp có tiền sử dị ứng nặng nhưng lại chỉ khai rằng bị dị ứng với thịt gà, không dị ứng với gì khác. Dù đã được hỏi cụ thể các thông tin như dị ứng từ bao giờ, có dùng thuốc hay không... thì người này vẫn khai báo không trung thực”, PGS. Xuân nêu một trường hợp cụ thể.

Do thông tin khai báo (không trung thực) trên vẫn giúp người này (tạm gọi là A.) đủ điều kiện để được tiêm tại cơ sở y tế. Sau khi tiêm xong, A. bị phản vệ độ 1, may mắn sau khi cấp cứu thì đã hồi phục ngay trong ngày. Điều tra lại tiền sử dị ứng mới phát hiện A. dị ứng rất nhiều loại dị nguyên, không phải chỉ với mỗi thịt gà.

Điều này chứng tỏ rằng công tác khám sàng lọc có vai trò vô cùng quan trọng. Và vì thế, công tác khám sàng lọc muốn hiệu quả thì ngoài vai trò của người bác sĩ còn cần có sự chung tay, khai báo trung thực, cụ thể của người khám để giúp cho việc chỉ định của bác sĩ đảm bảo được sự an toàn cho chính bản thân người khám”, PGS. Xuân chia sẻ.

Không phải tiêm hay theo dõi sau tiêm, đây mới là khâu quan trọng nhất, cần sự chung tay của người được tiêm vắc xin Covid-19 để đảm bảo an toàn - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: SCMP

Qua đó, PGS. TS Hồ Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm Y học gia đình và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng nhắc nhở mọi người cần chuẩn bị những điều sau trước khi đi đến điểm tiêm vắc xin.

Người được ưu tiên tiêm vắc xin thì phải tự sàng lọc mình trước, xem mình thuộc nhóm người khỏe mạnh được tiêm vắc xin, nhóm thận trọng (sẽ phải tiêm ở những cơ sở y tế có đầy đủ điều kiện để đảm bảo an toàn cho chính sức khỏe của bản thân) hay ở nhóm không được tiêm”.

Nếu bạn ở nhóm hoàn toàn khỏe mạnh thì khi đi tiêm, chúng ta nên tìm hiểu trước xem đến địa điểm tiêm thì mình sẽ trải qua những công đoạn nào.

Bên cạnh đó, mọi người cũng cần chuẩn bị tâm thế trước khi đi tiêm. “Khi chúng ta tìm hiểu kỹ về các quy trình trước khi tiêm thì sẽ không còn bị lo lắng, tim đập nhanh, huyết áp tăng vọt (nếu có các biểu hiện này sẽ không đủ điều kiện được tiêm). Đồng thời, bạn cũng nên rèn luyện tâm lý trước khi đi đến địa điểm tiêm chủng”.

Ngoài ra, bạn cũng nên tìm hiểu rằng sau tiêm chúng ta cần phải làm gì, còn gì chúng ta không hiểu không, nếu có thì bạn có thể hỏi ngay các y bác sĩ tại điểm tiêm. Nếu có bệnh lý nền đã được điều trị ổn định, được bác sĩ chỉ định đủ điều kiện đi tiêm thì bạn cần mang theo các giấy tờ thể hiện rằng bệnh của mình đang ổn định.