Tháng 6 trở về trước thuốc Tamiflu trên thị trường có giá bán phổ biến khoảng 450.000 đồng/hộp, đến nửa đầu tháng 7 đã tăng lên 520.000 đồng/hộp. Tại một số cửa hàng thuốc ở khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), các nhà thuốc đều "cháy" mặt hàng Tamiflu và chưa hẹn ngày có thuốc để bán. Một số cửa hàng trả lời thẳng, giá thuốc tăng cao không phải do hãng cung cấp tăng giá mà do tình trạng các mối buôn ôm hàng, tác động tới thị trường.
Ngoài ra kit xét nghiệm cúm A cũng được rao bán đầy rẫy trên các chợ thuốc online với giá từ 70.000-80.000 đồng/hộp. Chủ một hàng thuốc tại phố Khâm Thiên (Hà Nội) cho biết, mỗi ngày, cửa hàng này bán 40-60 kit test, thậm chí nhiều thời điểm hết hàng.
Theo dõi sát diễn biến của trẻ
TS. Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) khuyến cáo phụ huynh không nên tự ý mua thuốc Tamiflu cho trẻ sử dụng. "Đây là thuốc dùng để ức chế virus nhân lên, làm giảm khả năng bám dính của virus ở đường hô hấp. Tuy nhiên, một nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương vào dịch cúm A/H1N1 năm 2009 cho thấy, nếu sử dụng Tamiflu sau 48 giờ kể từ lúc có triệu chứng sốt thì không khác gì nhóm bệnh nhân không dùng. Cách đây vài năm, tại một hội nghị cúm ở Singapore, một báo cáo cho biết, sau năm ngày dùng Tamiflu, vẫn có tới gần 60% số em bé có virus cúm ở trong họng, sau mười ngày vẫn còn 30-40%", bác sĩ Hải thông tin.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai): "Cúm là bệnh thông thường, 80-90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. Một số trường hợp nặng có thể gây biến chứng như co giật, tổn thương gan, thận, phổi, gây tử vong nhanh do suy hô hấp và viêm cơ tim. Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi; người trên 65 tuổi; phụ nữ mang thai là những đối tượng dễ bị virus cúm tấn công nhất. Ngoài ra, cần lưu ý những người có bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch, thiếu máu, suy giảm miễn dịch…".
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM) cho rằng không thể xem đây là loại cúm mới hay cúm lạ. Việc số lượng lớn bệnh nhân cúm A được xác định xuất phát từ hai nguyên nhân. Thứ nhất, miễn dịch tự nhiên trong cộng đồng thấp do trẻ trong hơn hai năm qua ít mắc bệnh, nhiều gia đình cũng không tiêm ngừa vắc xin cúm. Thứ hai, trước đây kit test không được dùng đại trà như bây giờ nên có thể không "vạch mặt, chỉ tên" các ca mắc cúm A.
"Không nên quá lo lắng về cúm A mà hãy ứng xử với căn bệnh này như khi trẻ sốt, viêm đường hô hấp trên thông thường. Cha mẹ cần theo dõi, nếu trẻ tỉnh táo, bệnh có thể tự hết. Nếu ho nhiều, sốt cao thì phải đưa đi bác sĩ để thăm khám. Cúm A hay không cúm A không quan trọng, cuối cùng vẫn phải theo dõi sát diễn biến bệnh ở trẻ và tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ", bác sĩ Khanh phân tích.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân tiêm vắc xin phòng cúm mùa hằng năm với người từ 6 tháng tuổi trở lên; hầu hết các chủng cúm đã có vắc xin phòng bệnh. Bên cạnh đó, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Bác sĩ Hải nhấn mạnh, thực tế, không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng dùng thuốc Tamiflu. Những trường hợp mắc cúm nếu nhẹ thì không cần thiết phải uống thuốc này mà bệnh sẽ tự khỏi. Hơn thế, việc dùng thuốc Tamiflu chỉ có tác dụng nếu chẩn đoán phát hiện cúm sớm trong 48 giờ đầu, theo chỉ định của bác sĩ vì thuốc này thường chỉ dùng đối với các trường hợp viêm phổi siêu vi cấp tính hoặc với người có cơ địa tiểu đường, nguy cơ bị tăng nặng. Sau 48 giờ, bệnh nhân cúm chủ yếu được điều trị hạ sốt và chăm sóc để phòng biến chứng. Thuốc Tamiflu không dùng đại trà vì đa số người mắc cúm tự khỏi. Bác sĩ cũng lưu ý người dân cần hết sức cẩn thận vì thuốc có tác dụng phụ. Các chuyên gia dịch tễ chung quan điểm không nên lạm dụng mua kit test để kiểm tra tại nhà vì không cần thiết. "Vấn đề quan trọng khi trẻ mắc cúm A là phải chú ý hạ sốt cho trẻ, vệ sinh đường hô hấp, hạn chế người lớn tiếp xúc với em bé làm bé có bội nhiễm cao hơn. Cùng với đó, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng đề kháng ở trẻ", bác sĩ Hải khuyến cáo.