Mùa hè năm ngoái chị Lê Thị Hòa (Hà Nội) bị ngứa ngáy, mọc nhiều mụn trên mặt, nhiều nốt lấm tấm đỏ trên lưng, bắp tay, chân gây ngứa gãi xước cả da. Chị bảo cả thời thanh niên không bị mụn, ngứa như vậy, thế mà 50 tuổi lại nổi mụn, khiến chị muốn vào bệnh viện chữa trị, nhưng đúng dịp dịch bệnh nên không dám đi.
Một lần gặp cậu bạn học là bác sĩ đông y, chị được mách dùng nước lá cỏ mần trầu rửa mặt, cỏ tươi giã nát đắp mặt. Chị nghĩ ở thành phố lấy đâu ra cỏ mần trầu. Cậu bạn bảo thứ cỏ này dễ sống, ở công viên, vệ đường, vườn hoa... chú ý là sẽ tìm thấy. Bí quá thì nhờ mấy bà hàng lá ở chợ đặt mua giúp cỏ mần trầu phơi khô cũng có thể nấu nước rửa mặt và tắm được. Còn lấy được cỏ tươi thì ngắt hoa đi, chỉ lấy phần thân cây rửa thật sạch, chần qua nước sôi rồi cắt nhỏ, giã nát đắp mặt 1 tuần 3 lần...
Gội đầu bằng cỏ mần trầu rất mượt tóc. Ảnh minh họa.
Chị Hòa làm theo, và sau 2 ngày tắm cỏ mần trầu chị đã khỏi ngứa ngáy, 3 tháng sau mặt chị đỡ mụn hẳn. Chị tìm hiểu thứ cỏ này mới biết ở nông thôn, nhiều nhà có người ốm sốt vẫn biết dùng cây cỏ mần trầu để hạ sốt nhanh nhờ có khả năng hạ nhiệt, cầm máu, tan ứ, làm mát gan... Đây là loại cỏ an toàn không có độc tính nào nên có thể sử dụng rộng rãi. Có những thầy thuốc đông y giỏi còn dùng cỏ mần trầu chữa bệnh viêm não, viêm màng não ngay từ sớm đã tránh được tới tử vong cho một số trẻ nhỏ.
Theo Đông y, cỏ mần trầu (còn gọi là ngưu cân thảo, tết suất thảo, cỏ vườn trầu, thanh tâm thảo, màng trầu, ngưu cân thảo, cỏ chỉ tía), dược tính rất mát, và đó là cây cỏ khá phổ biến, có sức sống mạnh mẽ ở mọi điều kiện đất đai, thời tiết, lại dễ dùng. Nhưng nông dân hay nhổ gốc, trốc rễ vì không biết lợi ích tốt lành của thứ dược thảo quý này, bởi nó lại náu mình là cây cỏ dại. Vài năm nay một số thầy thuốc đông y cũng đề cập tới việc dùng cỏ mần trầu để thanh nhiệt, thải độc, làm mát cơ thể, mát gan, ổn định huyết áp... nhiều tác dụng mà chưa mấy người đề cập tới.
Đang giữa mùa hè nắng nóng gay gắt, thân nhiệt tăng cao, nhiều bệnh phát triển, nhưng cũng là mùa cây cỏ dại mần trầu phát huy tác dụng rất tốt (được bác sĩ đông y coi như tiên dược mùa hè), nên khuyến khích bà con thu hái, hoặc phơi khô trữ trong nhà dùng khi cần.
Cây cỏ mần trầu. Ảnh minh họa.
Sau đây là vài bài thuốc từ cây cỏ mần trầu giúp cân bằng cơ thể, bà con ghi nhớ và áp dụng khi cần:
1. Trị cảm sốt cao
- Cỏ mần trầu tươi (hoặc khô), bỏ hoa và chỉ dùng toàn thân cây (có thể kết hợp với rau má, diếp cá, cây mã đề, rễ cỏ tranh) càng hiệu quả. Tất cả rửa sạch, đun nước sôi kỹ và lấy nước đó uống thay nước.
Công dụng là hạ sốt nhanh, nhanh hết đau đầu, ngủ ngon.
Cỏ mần trầu nên phối với vài thảo dược khác tắm gội rất tốt. Ảnh minh họa.
2. Trị nhiệt miệng, mụn trong miệng, tưa lưỡi
Những chứng bệnh này trẻ em hay gặp, người lớn cũng có. Nguyên nhân do nóng quá mà thành.
- Có thể dùng độc vị cỏ mần trầu.
- Hoặc kết hợp cỏ mần trầu với rau sam, cây mã đề, cỏ nhọ nồi, diếp cá càng hiệu quả.
Kiếm mỗi thứ 1 nắm tươi, đun sôi kỹ và lấy nước đặc uống trong ngày. Làm liền vài ngày bệnh sẽ nhẹ dần và khỏi.
3. Trị tóc bạc, tóc khô, xơ gãy rụng
Phương thuốc này ít người biết, vì đó là kinh nghiệm làm thuốc và dùng thuốc trị bệnh lâu năm mới có.
- Cỏ mần trầu bỏ hoa, dùng thân, lá, rễ. Tất cả rửa sạch thái nhỏ, phơi khô sao vàng hạ thổ.
Mỗi ngày dùng tầm 30-40g cỏ mần trầu khô. Kết hợp với 20g đỗ trọng, 20g thục địa (nếu là nữ giới có thể thêm quả dâu tằm chín đã phơi khô vào đun cùng càng hiệu quả vì nó bổ máu).
Cả 3 thứ đun sôi kỹ lấy nước uống hết trong ngày và uống liên tục một thời gian. nhiều bạn còn trẻ tóc bị bạc dùng theo phương cách này tóc đã đen và rậm hơn.
Cũng có thể dùng cỏ mần trầu kết hợp với vỏ bưởi đun nước gội đầu càng hiệu quả.
Cỏ mần trầu khô đun nước uống hàng ngày rất mát. Ảnh minh họa.5. Mát gan, tả hỏa, thanh nhiệt, trị mụn...
Nhiều người bị nóng gan, hay có mụn , cơ thể lại it ra mồ hôi thì dùng cách đun cỏ mần trầu uống như uống trà sẽ làm cơ thể toát mồ hôi, độc tố giải phóng qua lỗ chân lông, cơ thể sẽ khỏe mạnh hơn, gan sẽ sạch khỏe, mụn sẽ hết.
Người đang tuổi thanh xuân nhưng chức năng gan kém thì có thể kết hợp với bồ công anh và bông attiso để tăng hiệu quả.
Theo y học cổ truyền và theo các tài liệu nghiên cứu thì cỏ mần trầu trong sách y học cổ truyền có tên là dã kê thảo. Cỏ mần trầu vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng bổ huyết, hành huyết, lợi tiểu, giải độc, mát gan. Dùng ở các trường hợp hư tổn, trướng bụng, tiểu tiện không thông, phong thấp, trị sốt rét, sốt ốm, gan nóng, huyết áp cao, viêm não, viêm màng não, trị viêm nhiễm tiết niệu, mụn nhọt...
Lưu ý khi thu hái cỏ mần trần cần tránh các khu vực có thuốc trừ sâu, hóa chất, rác thải... độc hại để tránh nguy hiểm tới sức khỏe.
- Cỏ mần trầu còn dùng làm một số loại cao để đắp mặt làm đẹp da.
- Cỏ mần trầu có thể rửa sạch phơi khô nấu nước uống (như rễ cỏ tranh, nước trà) giúp thanh nhiệt, thải độc gan, làm mát cơ thể, chống táo bón. giải cảm, giảm cân... và một số công dụng tốt nên có thể dùng như một loại trà vừa phòng ngừa bệnh, trị bệnh, lại tốt cho sức khỏe.
Một số bải thuốc dân gian hay dùng như sau:
- Người bị cao huyết áp: Dùng khoảng 500g cỏ mần trầu rửa thật sạch rồi giã nát trộn chung với 1 bát nước rồi vắt lấy nước cốt, uống mỗi ngày 2 lần.
- Người bị viêm gan gây vàng da: Lấy 60g cỏ mần trầu và 30g rễ tổ kén đực cho nguyên liệu vào nấu trong ấm nước rồi uống hàng ngày.
- Người bị viêm tinh hoàn: Lấy 60g cỏ mần trầu tươi và 10 cùi vải. Dùng nguyên liệu sắc lên cho tinh chất tan ra trong nước rồi dùng để uống hàng ngày.
- Bị sỏi thận, sỏi bàng quang thì dùng 20g cỏ mần trầu, 20g lá từ bi, 20g kim tiền thảo, 20g ké hoa đào. Tất cả rửa sạch, sắc với 400ml nước rồi chia ra 3 lần uống (sáng, trưa, chiều).
- Người đại tiện ra máu dùng phương cách sau: 1 nắm cỏ mần trầu, 1 nắm muồng trâu (cành lá), 1 nắm cam thảo nam, 1 nắm cây ké, 1 nắm trắc bá diệp, 1 nắm rễ tranh (sao đen), 1 nắm rau má, cỏ mực 2 nắm, ngải cứu 9 lá, củ sả 5, gừng sống 3 lát, than tóc rối 2 muỗng, bách thảo sương 1 muỗng canh.
Tất cả rửa sạch, đổ ngập nước sắc còn 2 bát, chia 2 lần uống trong ngày, sắc nước 2 uống trong ngày.