Liệt dây thần kinh số 7: Chuyên gia chỉ ra nguyên nhân, cách phòng ngừa

Theo chuyên gia, liệt dây thần kinh số 7 là bệnh không nguy hiểm tới tính mạng, nhưng không điều trị đúng có thể ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ.

80% liệt dây thần kinh số 7 là do nhiễm lạnh

Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Toàn, Phó Trưởng khoa Điều trị Liệt vận động (Bệnh viện Châm cứu Trung ương), liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên không liên quan gì tới vấn đề thần kinh yếu. Các trường hợp bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên thường do bệnh nhân bị nhiễm lạnh, sang chấn (chấn thương), viêm nhiễm do virus.

Liệt dây thần kinh số 7: Chuyên gia chỉ ra nguyên nhân, cách phòng ngừa - Ảnh 1.

Hari Won chia sẻ mình bị liệt dây thần kinh số 7.

Ths.BS Dương Văn Tâm – Trưởng khoa Liệt vận động và Ngôn ngữ (Bệnh viện Châm cứu Trung ương) cho biết thêm điều trị liệt dây thần kinh số 7 không quá phức tạp, quan trọng phải tuân thủ điều trị đúng cách để tránh để lại di chứng.

Bác sĩ Tâm nói rằng, nguyên nhân dẫn tới liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên 80% là do nhiễm lạnh, 15-20% là do virus và một số ít rất hiếm gặp là do bị tai nạn.

Bệnh có thể tự khỏi nhưng không nên quá chủ quan

Trong Đông y, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên còn gọi là bị phong hàn. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, chủng tộc và xảy ra đột ngột không có dấu hiệu báo trước.

Thường bệnh nhân sẽ tự nhận thấy miệng bị méo kéo về một bên, mắt không nhắm kín, miệng không huýt sáo. Khi diễn biến nặng hơn, bệnh nhân sẽ ăn uống rơi vãi, đọng thức ăn ở một bên.

Bác sĩ Tâm cho biết: "Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là bệnh lành tính, thậm chí có thể tự khỏi. Không may khi bị liệt mặt, méo miệng cũng không nên quá hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, khi bị liệt dây thần kinh số 7 cũng không chủ quan, không can thiệp sẽ ảnh hưởng tới thẩm mỹ và một số di chứng".

Điều trị liệt dây thần kinh số 7 sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu nguyên nhân do lạnh sẽ kết hợp ôn châm (châm và cứu). Còn nguyên nhân do chấn thương dẫn tới huyết ứ thì dùng điện châm để khí huyết lưu thông.

Theo bác sĩ Tâm, có thể kết hợp điều trị Đông - Tây y để điều trị liệt dây thần kinh số 7. Trong đó, Đông y điều trị bằng cách điện châm, thủy châm, cứu ngải, xoa bóp, chiếu điện… Tây y có thể sử dụng một số thuốc kháng viêm, dùng thuốc bổ và vitamin bổ trợ.

Bệnh nhân khi bị liệt mặt phải tránh bị nhiễm lạnh, đặc biệt là ở phần đầu mặt. Do vậy, nếu đang bị liệt cơ mặt, cần tránh tắm nước lạnh, không đi ra ngoài trời mưa, khi di chuyển cần bịt kín mặt, đeo kính.

Chúng ta có thể phòng liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do lạnh bằng cách giữ ấm cơ thể. Khi trời lạnh, không mặc phong phanh, tắm nước lạnh hoặc tắm quá muộn. Nếu dùng điều hòa không nên để nhiệt độ quá thấp, không để gió điều hòa phả thẳng vào mặt. Vào gần sáng nên tắt điều hòa để tránh bị nhiễm lạnh. Thời tiết chuyển lạnh khi ngủ nên đóng kín cửa để tránh gió lùa vào phòng.

https://soha.vn/hari-won-bi-liet-day-than-kinh-so-7-chuyen-gia-chi-ra-nguyen-nhan-cach-phong-ngua-20220803162749107.htm