Loại thuốc mới - "R+Cu" chứa các chất chống ô xy hóa như resveratrol và đồng, có thể tạo ra "gốc ô xy" chống ung thư. Những chất này ngăn chặn các tế bào chết biến các tế bào khỏe mạnh thành ung thư, đồng thời hạn chế sự di chuyển của các tế bào ung thư từ bộ phận này sang bộ phận khác của cơ thể, còn gọi là "di căn".
Các nhà nghiên cứu cho biết loại thuốc này có thể có hiệu quả trong điều trị ung thư tuyến tụy, phổi và miệng.
Thuốc có giá dự kiến chỉ 100 rupee (tương đương 1,2 đô la Mỹ), trong khi chi phí điều trị ung thư đang tăng cao. Cơ quan Tiêu chuẩn và An toàn Thực phẩm Ấn Độ (FSSAI) đang phê duyệt loại thuốc này và nó có thể sẽ được tung ra thị trường vào tháng 6 - 7.
“Các tác dụng phụ đã được thử nghiệm trên cả chuột và người, nhưng thử nghiệm phòng ngừa mới thực hiện trên chuột. Sẽ mất khoảng 5 năm để hoàn thành thử nghiệm trên người cho phương pháp này”, bác sĩ Rajendra Badve từ Bệnh viện Tata Memorial tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với NDTV. Ông nói thêm “có những thách thức trong quá trình nghiên cứu” nhưng cuối cùng nó đã “thành công lớn”.
Viện Tata là một trong những cơ sở nghiên cứu ung thư lớn nhất và lâu đời nhất trên thế giới, được Bộ Năng lượng Nguyên tử Ấn Độ tài trợ.
Thông tin này được đưa ra vài tuần sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng đất nước của ông đang trên đà phát triển vắc-xin chống ung thư.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết vào tháng trước rằng Ấn Độ đã bổ sung thêm 30 bệnh viện ung thư mới trong chín năm qua và việc xây dựng thêm 10 bệnh viện nữa đang được tiến hành. Chính phủ cũng đã phát triển 150.000 trung tâm chăm sóc sức khỏe, được gọi là "Ayushman Arogya Mandirs, để giúp phát hiện sớm bệnh ung thư ở người dân nông thôn.
Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới, có tỷ lệ ung thư thuộc nhóm cao nhất châu Á. Số ca mắc bệnh ở nước này được dự đoán sẽ tăng từ 1,46 triệu vào năm 2022 lên 1,57 triệu vào năm 2025.