Gần đây, khoa Tiêu hóa – Tiết niệu tại Bệnh viện Ung bướu Hồ Nam, Trung Quốc tiếp nhận một bệnh nhân mắc ung thư ruột giai đoạn cuối tên Tiểu Trương, 16 tuổi.
Cách đây không lâu, Tiểu Trương thường xuyên có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, vì quá lo lắng cho việc học nên cậu không quan tâm tới tình trạng của mình.
Một số người bạn của Tiểu Trương nói đùa rằng: “Có sợ mình bị ung thư ruột không?”. Cậu cười nói: “Ung thư ruột là bệnh của người già. Ông mình bị ung thư ruột năm 70 tuổi. Bệnh này còn lâu mình mới mắc phải”.
Tuy nhiên, cách đây 1 tuần, Tiểu Trương bị đau bụng dữ dội, có máu trong phân nên đến bệnh viện kiểm tra. Dựa trên kết quả xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán cậu bị ung thư ruột, tế bào ung thư di căn sang gan. Bệnh ở giai đoạn nặng ngay khi được phát hiện.
Nguyên nhân khiến Tiểu Trương bị ung thư ruột?
1. Chế độ ăn uống và lối sống không lành mạnh
Tiểu Trương thích ăn đồ cay, thịt nướng, gà rán và nhiều món ăn vặt khác, hiếm khi ăn rau và trái cây. Chế độ ăn nhiều chất béo, ít chất xơ, cơ thể thiếu hụt vitamin, đây đều là yếu tố thúc đẩy ung thư ruột.
2. Di truyền
Ông nội của Tiểu Trương từng bị ung thư ruột. Có một số loại ung thư liên quan tới đại trực tràng có yếu tố di truyền. Những người có tiền sử gia đình mắc ung thư đại trực tràng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người bình thường.
3. Môi trường
Áp lực học hành những năm cuối cấp 3 rất lớn, việc tinh thần bị căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến suy giảm khả năng miễn dịch, từ đó tạo cơ hội cho bệnh ung thư ruột hình thành.
4. Thiếu kiến thức về bệnh
Tiểu Trương không đến bệnh viện để chẩn đoán và điều trị kịp thời dẫn đến việc phát hiện bệnh ở giai đoạn nặng và bỏ lỡ thời kỳ điều trị tốt nhất.
Ung thư ruột (ung thư đại trực tràng) là khối u ác tính phổ biến, sự xuất hiện của nó liên quan chặt chẽ đến các yếu tố như thói quen ăn uống, môi trường và di truyền. Với sự thay đổi của môi trường và thói quen ăn uống, sinh hoạt của con người, ung thư ruột không còn là bệnh của riêng người già, ngày càng có nhiều người trẻ mắc phải.
Làm thế nào để phòng ngừa ung thư ruột?
- Thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh hơn, giảm ăn đồ nướng nhiều dầu mỡ, tăng cường rau củ quả tươi để bổ sung vitamin, chất xơ nhằm bôi trơn ruột, giúp phân mềm, tránh táo bón. Ngoài ra, bạn cần tránh xa rượu bia, thuốc lá, vận động hợp lý, duy trì cân nặng có thể làm giảm nguy cơ ung thư ruột.
Điều trị kịp thời các bệnh viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, polyp ruột và các bệnh nguyên phát khác.
Việc tầm soát sớm ung thư ruột sớm giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu, tỷ lệ chữa khỏi cao hơn.