Theo BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng khoa khám bệnh Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, khoai sọ có tên khoa học: Colocasia antiquorum Schott (C. esculenta Schott, var. antiquorum (Schott) Hubb.), thuộc họ Ráy - Araceae. Trước đây, khoai sọ thường mọc dại, hiện nay được trồng nhiều để lấy củ ăn.
Khoai sọ có vị ngọt thanh, bùi nên thường được người dân dùng ninh với xương, nấu canh ăn. Giá trị dinh dưỡng của khoai sọ rất cao, trong 100g củ khoai sọ tươi có chứa: protein, lipit, glucid, calcium, phosphor, sắt, carotene; Các vitamin như: vitamin B1, vitamin B2, vitamin PP, 4mg vitamin C,…
Ngoài ra, trong khoai sọ có chứa 17 loại acid amin rất cần thiết cho cơ thể, chứa omega-3 và omega-6 rất tốt cho tim mạch, góp phần ngăn ngừa ung thư. Với những giá trị dinh dưỡng khoai sọ được ví như "sâm" của người nghèo.
Bác sĩ Vũ cho biết, khoai sọ có chứa nhiều kali giúp kiểm soát mức huyết áp đồng thời hạn chế nguy cơ bị cao huyết áp. Lượng chất xơ dồi dào trong khoai sọ giúp nhuận tràng, thải cặn bã ra khỏi cơ thể nhanh chóng.
Trong Đông y củ Khoai sọ trồng có bột màu trắng dính, có vị ngọt hơi the, trơn, tính bình, điều hoà nội tạng, hạ khí đầy, bổ hư tổn. Lá và bẹ lá khoai sọ có vị cay, tính bình, có tác dụng tiêu tích tán kết. Hoa khoai sọ vị cay, tính bình, có tác dụng chỉ thống, chỉ huyết.
Khoai sọ hầm xương, ảnh ST
Các món ăn từ khoai sọ có công dụng như ''thuốc''
Bác sĩ Vũ cho biết, với những tác dụng dược lý, giá trị dinh dưỡng, khoai sọ có thể chế biến thành những món ăn ngon làm thuốc chữa bệnh cụ thể như:
- Khoai sọ luộc: Củ khoai sọ luộc ăn giúp nhuận tràng.
- Khoai sọ nấu với cá quả, cá diếc: Ăn có tác dụng điều hòa nội tạng, hạ khí đầy, bổ hư tổn, chữa hư lao yếu sức.
- Khoai sọ nấu với rau rút, cua đồng: Ăn giúp dễ ngủ, bớt mệt mỏi.
- Cháo khoai sọ, củ mài: Chữa chứng đuối sức, mệt mỏi, kém ăn, miệng khát. Thường xuyên ăn món cháo này có tác dụng ích khí (tăng thể lực), bổ tỳ vị (tăng cường chức năng tiêu hóa).
- Canh khoai sọ thịt lợn: Khoai sọ 100g, thịt lợn nạc 50g nấu canh ăn trong các bữa cơm. Tác dụng bổ âm, chống khô khát, ích khí, nuôi dưỡng dạ dày, chống mệt mỏi. Có thể dùng để bồi dưỡng cho những trường hợp cơ thể suy nhược, phiền khát sau khi bị bệnh.
- Chè khoai sọ táo tàu: Khoai sọ 250g (gọt vỏ thái thành miếng nhỏ), táo tàu 50g, đường đỏ 50g, nấu nhỏ lửa thành món chè, chia 3 - 4 lần ăn trong ngày. Dùng để bồi dưỡng cho những trường hợp cơ thể suy nhược, phiền khát sau khi ốm dậy.
- Canh khoai sọ đậu ngự: Khoai sọ 300g, đậu ngự 100g, dầu ăn, gia vị vừa đủ. Đậu ngự rửa sạch, ngâm nước cho mềm, luộc qua. Làm nóng chảo dầu, cho khoai sọ vào xào qua rồi cho nước vào nấu khoảng 10 phút. Cho tiếp đậu ngự vào hầm. Khi đậu và khoai nhừ, thêm gia vị, ăn nóng. Ăn thường xuyên món này rất tốt cho não và giúp cải thiện chứng suy nhược trí nhớ, thích hợp với người bệnh suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, người mới ốm dậy
- Xương lợn hầm khoai sọ: Khoai sọ 60g, xương cẳng hoặc xương sống lợn 100g. Hầm khoai và xương dùng cho các trường hợp nổi ban dị ứng, đau nhức tay chân.
- Chữa mụn nhọt, đầu đinh: Củ khoai sọ và giấm với lượng bằng nhau, đun sôi luộc chín, lấy ra nghiền nát, đắp tại chỗ.
- Hỗ trợ điều trị viêm thận mạn tính: Khoai sọ rửa sạch, thái lát, rang cháy đen, nghiền thành bột mịn, thêm đường đỏ vào trộn đều. Mỗi lần uống 30g, ngày uống 2 lần. Hoặc: Khoai sọ 60g (rửa sạch, gọt vỏ, thái nhỏ), gạo tẻ 50-100g nấu cháo, khi ăn thêm đường đỏ cho đủ ngọt. Bài thuốc này còn có tác dụng chữa cả đau dạ dày.
Bác sĩ Vũ cho biết, các món ăn ngon, thông dụng từ khoai sọ góp phần cải thiện và nâng cao sức khỏe. Tuỳ theo từng món ăn khoai sọ lại trở thành 'thuốc' giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị một số bệnh.