Những ngôi sao Hollywood như Mariah Carey, George Clooney và Jennifer Aniston đều thú nhận, họ từng trải qua những giai đoạn mất ngủ nghiêm trọng.
Trong cuộc phỏng vấn với The Hollywood Reporter năm 2012, nam tài tử George Clooney tiết lộ rằng, ông thức dậy tới 5 lần mỗi đêm. Còn năm 2014, người đẹp Jennifer Aniston chia sẻ trong chương trình truyền hình "The Dr Oz", nếu tỉnh giấc lúc 3 giờ sáng, cô gặp rất nhiều khó khăn để ngủ lại.
Clooney và Aniston không phải những người duy nhất trải nghiệm giấc ngủ đêm không mấy tốt đẹp. Duy trì 6-8 tiếng ngủ sâu giấc và không bị ngắt quãng hàng đêm là điều mà nhiều người phải nỗ lực rất nhiều để có được. Tác hại của những đêm ngủ không ngon đã được bàn tới nhiều. Một nghiên cứu do nhóm khoa học gia của Viện Quốc gia Mỹ về tình trạng nghiện rượu và lạm dụng chất cồn (NIAAA) tiến hành, chỉ ra rằng, chỉ một đêm mất ngủ thôi cũng có thể dẫn tới tác động tiêu cực cho bộ não của bạn. Nghiên cứu này được đăng tải trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences năm 2018.
Theo đó, người trưởng thành trải qua một đêm không ngon giấc biểu hiện sự gia tăng hàm lượng mảng beta-amyloid trong não. Đây là phế phẩm trao đổi chất được phát hiện trong lớp dịch giữa các tế bào não.
Sự tích tụ của loại protein có đặc điểm dính nhớt này có thể làm gián đoạn liên lạc giữa các tế bào não và từ lâu đã được chứng minh có liên quan đến sự phát triển bệnh Alzheimer. Alzheimer là dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất ở người cao tuổi. (Lưu ý: Các nhà nghiên cứu cho biết, tăng lượng mảng beta-amyloid không có mối liên hệ với nguy cơ thuộc di truyền đối với bệnh Alzheimer).
Một nghiên cứu khác của Trường Y, Đại học Washington ở St Louis (Mỹ), được công bố trên tạp chí điện tử Science năn 2019, cho thấy, thiếu ngủ làm tăng hàm lượng protein tau - protein đóng vai trò chủ chốt trong bệnh Alzheimer.
Tình trạng tích tụ protein này trong não là một trong những đặc trưng của bệnh. Khi tụ lại thành một đám rối, chúng có thể đẩy nhanh quá trình suy giảm nhận thức bởi các đám rối có xu hướng xuất hiện ở những vùng não quan trọng đối với chức năng ghi nhớ trước khi lan sang các vùng não bộ khác. Nghiên cứu của Trường Y Đại học Washington được tiến hành trên cả chuột và người, cho thấy, giấc ngủ bị đứt quãng khiến protein gây hại này tăng lên nhanh chóng và từ đó, lan rộng ra theo thời gian.
Loại protein này thậm chí còn được tìm thấy trong não bộ của những người khoẻ mạnh. Nó được giải phóng định kỳ khi chúng ta thức để học tập, làm việc… Nhưng khi ngủ, quá trình giải phóng protein tau chậm lại. Tau có mặt trong não bộ sẽ được loại bỏ. Điều mà các nhà khoa học khám phá ra là việc thiếu ngủ gây cản trở quá trình này, do đó, dẫn tới tình trạng tích tụ của tau, tăng khả năng chúng kết hợp lại thành đám rối.
Ngoài việc tăng nguy cơ sa sút trí tuệ, một đêm không ngon giấc thậm chí còn tác động tới chúng ta theo nhiều cách khác. Tiến sĩ Kenneth Tsang, cố vấn dược phẩm hô hấp tại Bệnh viện Hong Kong Adventist, giải thích, thiếu ngủ có thể làm gia tăng mức độ căng thẳng, lo âu, đẩy chúng ta vào tâm trạng xấu, khiến ta khó tập trung hơn. Những vấn đề về giấc ngủ cũng liên quan tới các rối loạn tâm lý, như trầm cảm.
Sau đây là 8 lý do có thể giải thích cho tình trạng giấc ngủ không sâu của bạn:
1. Phòng ngủ quá nóng, quá lạnh, quá ồn hoặc quá sáng
Phòng ngủ nên tạo cảm giác như một hang động - tối, yên tĩnh và nhiệt độ dễ chịu. Nhiệt độ thích hợp nhất cho giấc ngủ với phần lớn người trưởng thành là 15-22 độ C.
2. Bạn ngủ quá nhiều vào ban ngày
Chợp mắt tầm 10-20 phút là đủ để cơ thể và tâm trí nghỉ ngơi, giúp chúng ta tỉnh táo trong phần thời gian còn lại của ngày. Nhưng nếu bạn ngủ các giấc ban ngày khá dài, nhất là để bù đắp cho việc thiếu ngủ đêm trước, bạn cũng sẽ không dễ dàng có một giấc ngủ trọn vẹn vào buổi tối.
3. Bạn uống đồ uống có cồn và/hoặc có caffeine vào buổi chiều hoặc tối
Đồ uống có cồn có thể giúp bạn dễ ngủ nhưng chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Nó lại khiến bạn thức giấc bất ngờ trong đêm và việc ngủ lại thực sự là thử thách. Tiến sĩ Tsang khuyên nên tránh đồ uống có caffeine từ lúc chiều muộn chuyển về tối.
4. Bạn sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính khoảng 1-2 giờ trước khi đi ngủ
Một nghiên cứu năm 2014 trên PNAS cho thấy, sử dụng các thiết bị điện tử cầm tay phát ra ánh sáng trước khi lên giường làm thời gian để đi vào giấc ngủ dài hơn. Nó cũng trì hoãn đồng hồ sinh học, ức chế lượng hormone melatonin có vai trò thúc đẩy giấc ngủ và giảm lượng cũng như làm chậm giấc ngủ REM (được cho là tốt cho não bộ).
5. Bạn không tuân thủ một lịch trình ngủ nghỉ nhất quán
Thức giấc và đi ngủ vào cùng một điểm trong ngày giúp bạn dễ dàng để ngủ và ngủ ngon hơn.
6. Bạn mắc chứng bệnh khiến việc ngủ xuyên đêm trở nên khó khăn
Nếu bạn tiếp tục gặp vấn đề về giấc ngủ, hãy tham vấn ý kiến bác sĩ để xác định một số bệnh nhất định như trầm cảm, lo âu và hội chứng ngưng thở khi ngủ, vốn dẫn tới chất lượng giấc ngủ kém. Hội chứng ngưng thở khi ngủ còn làm cho nạn nhân ngủ ngáy và thức giấc liên tục trong đêm.
7. Bạn tập thể dục thể thao quá sức trước khi đi ngủ
Tập luyện giúp cơ thể thư giãn. Nhưng nếu bạn tập luyện cường độ cao 3-4 giờ trước khi lên giường, bạn có thể thấy khó ngủ. Do vận động nhiều làm tăng nhịp tim và thân nhiệt, đồng thời kích thích hệ thần kinh.
8. Bạn bị rối loạn giấc ngủ
Theo Tiến sĩ Tsang: "Những người bị rối loạn giấc ngủ kiểu này gặp khó khăn để đi vào giấc ngủ, tỉnh giấc nhiều lần trong đêm và không dễ để ngủ lại, cảm thấy mệt mỏi vào hôm sau. Nếu bị mất ngủ, bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng thuốc an thần trong ngắn hay dài hạn".