Một số loại thuốc cơ bản thường bị sử dụng sai cách
Thuốc giảm đau, hạ sốt
Loại thuốc được biết đến nhiều nhất có thể gây hại cho gan là thuốc giảm đau, hạ sốt: acetaminophen (Paracetamol). Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh nhân nhận thức chưa đầy đủ về cách sử dụng và hậu quả của thuốc, một phần do thuốc được bán sẵn rộng rãi mà không cần bác sĩ kê đơn.
Lưu ý rằng, acetaminophen, khi được sử dụng theo chỉ dẫn, cực kỳ an toàn ngay cả đối với những người mắc bệnh gan. Tuy nhiên, uống quá nhiều acetaminophen cùng một lúc, hoặc dùng liều cao acetaminophen liên tục trong vài ngày có thể gây tổn thương cho gan. Những người khỏe mạnh không nên dùng quá 1.000 mg acetaminophen mỗi liều và không nên dùng quá 3.000mg trong một ngày (tức là tối đa 1.000 mg mỗi 8 giờ).
Ngoài ra, ngay cả những người khỏe mạnh cũng nên tránh dùng 3.000mg acetaminophen mỗi ngày kéo dài quá 3 đến 5 ngày. Bệnh nhân mắc bệnh gan nên hạn chế lượng acetaminophen hàng ngày xuống 2.000mg mỗi ngày, hoặc thậm chí ít hơn nếu có bệnh gan nặng. Ngay cả khi bạn không có bệnh gan, hãy luôn sử dụng lượng acetaminophen nhỏ nhất cần thiết để giảm đau. Người bệnh luôn cần chú ý đọc nhãn của tất cả các loại thuốc kê đơn và không kê đơn đang sử dụng.
Thuốc chống viêm không steroid
Đối với các loại thuốc chống viêm không steroid (aspirin, diclofenac, profenid…), mặc dù tỷ lệ người bệnh bị tổn thương gan do nhóm thuốc này rất thấp nhưng do được sử dụng quá rộng rãi để trị đau nhức khớp cho nên được xếp vào một trong những thuốc chính gây tổn thương gan.
Thuốc Nam, thuốc Bắc
Nhiều người bệnh quan niệm thuốc bắc, thuốc nam rất lành tính. Tuy nhiên, do nhận thức của mọi người còn hạn chế nên chưa biết hết tác dụng phụ của các loại thuốc này.
Theo đó, một số loại thảo dược được sử dụng để bào chế thuốc đông y như: bán hạ, phụ tử, mã tiền, hoàng nàn… trong thành phần vẫn có chứa độc tố nhất định. Việc sử dụng quá nhiều, trong thời gian dài có thể dẫn tới ngộ độc.
Ngoài ra, thuốc mua ở những địa chỉ không tin cậy có thể bị ẩm mốc do quá trình bảo quản không đúng, tồn dư nhiều độc tố do bào chế không kỹ lưỡng, sai cách hoặc thậm chí người bán có thể trộn thêm một số loại hóa chất cấm để tăng hiệu quả của thuốc.
Thuốc tẩy giun và một số thuốc khác
Thuốc tẩy giun, một số kháng sinh, thuốc trị nấm như ketoconazole; thuốc trị tăng mỡ m.áu; thuốc trị đái tháo đường; thuốc gây mê và còn nhiều loại thuốc khác nữa… cũng có thể gây tổn thương gan nếu sử dụng quá liều, dùng sai cách.
Một số sai lầm nghiêm trọng của người bệnh
Tự ý kê đơn, mua thuốc, uống thuốc
Khi bị bệnh, thay vì đi khám để bác sĩ chẩn đoán và chỉ định thuốc, một số người đã tự ý chẩn đoán bệnh và mua thuốc tự dùng. Đây được gọi là ''tự ý dùng thuốc''. Trong một số ít trường hợp, việc tự ý dùng thuốc có thể không dẫn đến sự nguy hại nào. Bởi vì người tự ý dùng thuốc chỉ bị rối loạn nhẹ, không có những tổn thương thực thể đáng kể. Tự ý dùng thuốc loại ''thông thường, bán không cần toa'', đặc biệt dùng đúng có thể giúp ta cải thiện, hết các rối loạn nhẹ đó.
Nhưng việc tự ý dùng thuốc có thể trở thành ''sự lạm dụng thuốc một cách tự ý'' dẫn đến các tác hại không lường hết. Đã có trường hợp bị cảm sốt sơ sơ nhưng một số người lại dùng kháng sinh cloramphenicol (tên biệt dược nổi tiếng trước đây tifomycine) thường xuyên sau một thời gian bị ''thiếu máu bất sản'' dẫn đến tử vong. Hoặc nghe lời mách bảo, một số người tìm cách mua kháng sinh thông dụng hiện nay như ampicillin, amoxicillin, cephalexin… khi bị sốt.
Dùng một cách tùy tiện theo kiểu ''uống một vài viên rồi thôi'' thì thật là nguy hiểm. Uống như thế chắc chắn không trị được bệnh và tránh sao kháng sinh không bị ''lờn'' (tức bị đề kháng kháng sinh) gây nỗi lo lắng cho ngành y tế.
Dùng lại đơn thuốc cũ
Là sử dụng toa thuốc cũ đã được bác sĩ ghi trước đây để mua thuốc dùng khi bị bệnh. Cần nên biết, một toa thuốc bác sĩ ghi sau khi khám chẩn đoán bệnh chỉ dành riêng cho một cá nhân vào một thời điểm và trong điều kiện nhất định nào đó thôi. Dùng lại toa thuốc cũ bởi vì một số người nghĩ rằng mình bị bệnh cũ tái phát.
Nhưng nên lưu ý, bệnh cũ có thể bị tái phát nhưng lần này tiến triển nặng hơn. Hoặc triệu chứng bệnh có vẻ giống như bệnh cũ nhưng lần này lại là bệnh khác. Cả 2 trường hợp dùng toa thuốc cũ là không đúng, thậm chí là nguy hiểm.
Dùng thuốc không đúng liều
Là dùng đúng toa thuốc bác sĩ chỉ định nhưng lại dùng không đúng liều hoặc dùng thuốc không đủ liều do tâm lý sợ thuốc gây hại cho mình. Như thay vì dùng 3 - 4 lần trong ngày, lại chỉ dùng 1 - 2 lần/ngày. Hoặc dùng thuốc quá liều do tâm lý nôn nóng muốn mình mau hết bệnh đã dồn thuốc uống ít lần hơn trong ngày.
Như dồn thuốc uống 2 - 3 lần trong ngày thành uống một lần duy nhất trong ngày. Uống như thế liều tăng lên gấp bội sẽ gây hại. Hoặc kéo dài thời gian dùng thuốc so với bác sĩ chỉ định cũng sẽ gây hại. Như dùng thuốc cường giao cảm co mạch nhỏ mũi (naphazoline) trị sổ, nghẹt mũi và dùng kéo dài (thường chỉ nhỏ mũi trong 5 ngày) sẽ bị ''viêm mũi do thuốc''.
Bảo quản thuốc sai cách
Là cất giữ thuốc không tốt. Cần lưu ý phải lưu giữ thuốc đang dùng chữa bệnh ở nơi khô ráo, mát, không bị ánh nắng chiếu vào. Nên lưu trữ thuốc đang dùng chữa bệnh trong tủ gọi là tủ thuốc là tốt nhất.
Không nên để thuốc trong buồng tắm như một số người hay làm. Bởi vì sự ẩm ướt trong buồng tắm làm cho thuốc rất mau hỏng. Chúng ta cũng cần cất giữ thuốc như thế nào để trẻ không thể tự tiện lấy dùng. Báo chí đã đưa tin về một số trường hợp trẻ đã lấy thuốc mà bố mẹ cất giữ không tốt để tự tử.
Nguyên tắc chung cần nhớ
Người bệnh nên hiểu rằng, càng dùng ít thuốc càng tốt. Khi sử dụng thuốc không kê đơn, hãy nhớ đọc nhãn cẩn thận và không bao giờ vượt quá lượng khuyến cáo. Tránh dùng liều tối đa được đề nghị trong một thời gian dài mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Chỉ sử dụng thuốc theo đơn khi đã được bác sĩ hướng dẫn.
Thay đổi lối sống lành mạnh như: hạn chế rượu, bia; hạn chế ăn các món ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, hạn chế tiếp xúc với các chất độc trong không khí như khói bụi, thuốc trừ sâu, phân bón… Nên uống nhiều nước, bổ sung đúng cách vitamin và các chất vi lượng cần thiết cho cơ thể như vitamin A,E, K, C… để giúp cho lá gan khỏe mạnh hơn.