Một loại bệnh lý có thể đe dọa trực tiếp đến khả năng sinh con nhưng đáng tiếc không nhiều chị em hay biết

Việt Nam mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng bị vô sinh, hiếm muộn và con số này ngày càng gia tăng với nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau. Trong đó không thể không nhắc đến nhóm nguyên nhân do rối loạn nội tiết xuất phát từ bệnh lý về tuyến giáp.

Các bệnh về tuyến giáp đa số thường gặp ở nữ giới và là một trong số những bệnh về nội tiết hay gặp nhất ở phái nữ trong độ tuổi sinh sản. Vậy ảnh hưởng của bệnh tuyến giáp có tác động lớn đến khả năng sinh sản như thế nào?

Tuyến giáp là một cơ quan có màu đỏ nâu, giàu mạch máu, nằm ở mặt trước phần dưới của cổ gồm 2 thuỳ nối với nhau tại eo giáp. Tuyến giáp là một trong các tuyến nội tiết lớn và quan trọng nhất của cơ thể, nặng khoảng 25gr, nó sẽ biến đổi và to ra trong kì kinh nguyệt và lúc có thai.

Một loại bệnh lý có thể đe dọa trực tiếp đến khả năng sinh con nhưng đáng tiếc không nhiều chị em hay biết - Ảnh 1.

Ước lượng kích thước tuyến giáp có ý nghĩa quan trọng trên lâm sàng để đánh giá và kiểm soát các rối loạn tuyến giáp. Điều này được thực hiện dễ dàng và chính xác thông qua siêu âm tuyến giáp.

Hormone tuyến giáp có vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể, nó có thể:

– Tăng cường trao đổi chất, kích thích sinh trưởng, phát dục.

– Tác động đến hoạt động của tuyến sinh dục và tuyến sữa.

– Kích thích hoạt động và tăng lưu lượng máu qua tim.

– Tăng cường hô hấp, cung cấp oxy cho sự chuyển hoá ở các mô cơ quan.

– Kích thích hệ thần kinh phát triển và hoàn thiện.

– Tác động lên chuyển hoá glucid, lipid…

Nhìn chung, tuyến giáp có ảnh hưởng đến sự chuyển hoá, kích thích quá trình sinh sản và tăng trưởng của tế bào.

Vì vậy, quá trình rối loạn nội tiết tuyến giáp sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ về sức khoẻ mà tới cả khả năng sinh sản của người phụ nữ.

Ảnh hưởng của tuyến giáp đến khả năng sinh sản của người phụ nữ

Các bệnh lý tuyến giáp thường gặp có thể kể đến suy giáp, cường giáp, ung thư tuyến giáp và bướu lành tuyến giáp.

Suy giáp là gì?

Là sự thiếu hụt hormone tuyến giáp dẫn đến rối loạn ở nhiều cơ quan, trong đó có hệ sinh sản. Bệnh nhân bị suy giáp sẽ có TSH cao hơn và nồng độ T4 tự do thấp hơn bình thường.

Sự thiếu hụt hormone tuyến giáp làm tăng TRH, kích thích các tế bào lactotroph tăng sản xuất prolactin dẫn đến rối loạn nhịp chế tiết GnRH. Ở những người suy giáp có sự giảm sút ái lực gắn kết của SHBG (sex hormone binding globulin) nên làm tăng nồng độ estrogen tự do. Ngoài ra, T4 còn kích thích các tế bào hạt tăng sản xuất các steroid.

Một loại bệnh lý có thể đe dọa trực tiếp đến khả năng sinh con nhưng đáng tiếc không nhiều chị em hay biết - Ảnh 2.

Hậu quả của suy giáp là dẫn đến sự thiếu hụt hormone FSH và LH, từ đó ảnh hưởng lên sự phát triển của nang noãn và gây rối loạn rụng trứng.

Người phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị suy giáp thường có kinh nguyệt không đều, kinh thưa và đa kinh.

Cường giáp là gì?

Là một hội chứng do nhiều nguyên nhân khác nhau gây tăng tiết hormone tuyến giáp T3 và T4 dẫn đến các biểu hiện điển hình như tim đập nhanh, gầy, sút cân, run tay, lo lắng và tăng nhu động ruột.

Bệnh được chẩn đoán thông qua chỉ số giảm nồng độ TSH và tăng nồng độ T4 tự do so với ngưỡng giá trị bình thường.

Một loại bệnh lý có thể đe dọa trực tiếp đến khả năng sinh con nhưng đáng tiếc không nhiều chị em hay biết - Ảnh 3.

Phụ nữ bị cường giáp thì ít bị rối loạn kinh nguyệt hơn so với suy giáp và vẫn duy trì được sự phóng noãn nên ảnh hưởng của nó tới nguy cơ vô sinh hiếm muộn là không cao.

Tuyến giáp là một trong những bệnh lý về nội tiết thường gặp nhất trên lâm sàng ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản. Đồng thời với những ảnh hưởng không nhỏ của nó đến khả năng sinh đẻ, chúng ta cần chú trọng phòng ngừa các bệnh lý tuyến giáp bằng cách:

– Duy trì cân nặng hợp lý bằng chế độ ăn uống khoa học và tập luyện thể dục thể thao đều đặn, không tăng hoặc giảm cân đột ngột.

– Cân bằng cuộc sống và công việc để tránh căng thẳng, stress trong thời gian dài.

– Ngủ đủ giấc.

– Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là i-ốt…

Một loại bệnh lý có thể đe dọa trực tiếp đến khả năng sinh con nhưng đáng tiếc không nhiều chị em hay biết - Ảnh 4.

Mặc dù vậy nhưng với bệnh lý tuyến giáp nếu được chẩn đoán chính xác và điều trị đúng, hiệu quả thì nữ giới vẫn có khả năng sinh đẻ và mang thai bình thường. Các thuốc điều trị cũng rất an toàn và ít ảnh hưởng đến thai nhi. Quan trọng nhất là bạn cần chú ý đến sức khoẻ của bản thân và tới các cơ sở y tế uy tín khi có các dấu hiệu nghi ngờ để được thăm khám và điều trị hiệu quả.

Một loại bệnh lý có thể đe dọa trực tiếp đến khả năng sinh con nhưng đáng tiếc không nhiều chị em hay biết - Ảnh 5.
https://ahadep.com/mot-loai-benh-ly-co-the-de-doa-truc-tiep-den-kha-nang-sinh-con-nhung-dang-tiec-khong-nhieu-chi-em-hay-biet-20220405180940361.chn