Mùa hè đến, nhiều cha mẹ có nhu cầu cho con cái đi bơi để rèn luyện sức khỏe. Đối với trẻ nhỏ, bơi lội là môn thể thao tốt đặc biệt cho sự phát triển của các cơ và xương khớp. Do vậy, cho trẻ học bơi sớm sẽ hỗ trợ tích cực trong việc tăng trưởng chiều cao của trẻ nhất là trẻ trong độ tuổi đang phát triển.
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, bơi lội cũng tiềm ẩn nhiều nguy hại. Khi cho trẻ bơi ở bể bơi công cộng, cha mẹ cần đề phòng các bệnh sau đây:
Ảnh minh hoạ
Kích ứng mắt
Nếu bạn bơi công cộng thường xuyên, bạn bị kích thích và đỏ mắt, có thể là do clo và các chất khử trùng hóa chất khác được sử dụng trong các hồ bơi. Những hóa chất này có thể kích thích các mô tế bào của mắt. Ngoài ra, bụi bẩn và mồ hôi của người khác trong hồ bơi cũng có thể làm mắt bị dị ứng.
Nhiễm trùng tai
Có một loạt các loại vi khuẩn phát triển trong hồ bơi, đặc biệt là trong các hồ bơi công cộng không hợp vệ sinh. Một số loại vi khuẩn này có thể xâm nhập vào tai bạn trong khi bơi và gây nhiễm trùng, viêm và ngứa. Vì vậy, bạn nên dùng nút tai trong khi bơi ở hồ bơi công cộng.
Nhiễm trùng da
Nếu bạn bị phát ban trên da, thậm chí đỏ và viêm mủ đau đớn, đặc biệt là nếu bạn là một người bơi thường xuyên, làn da của bạn có thể bị nhiễm trùng từ các hồ bơi. Một loại vi khuẩn được gọi là 'Pseudomonas aeruginosa' có mặt trong các bể bơi có thể gây nhiễm trùng da. Vì vậy, tắm rửa thật kỹ bằng xà phòng khử trùng sau mỗi lần bơi và giặt đồ bơi có thể giúp ngăn ngừa tình trạng này.
Bệnh hen ở trẻ
Thủ phạm gây ra căn bệnh này chính là các chất hóa học được sử dụng rất nhiều nhằm giữ cho nước bể bơi trong hơn. Nếu thấy có hiện tượng ho nhiều và khó thở, nên tạm dừng hoặc hạn chế đi bơi tại các bể bơi công cộng.
Tiêu chảy
Tiêu chảy khá phổ biến khi bị ngộ độc thực phẩm. Mặc dù nó có vẻ là một vấn đề đơn giản, nhưng tiêu chảy có thể gây mất nước và thậm chí có thể gây tử vong khi không được điều trị. Một mầm bệnh được gọi là 'Cryptosporidium' có trong một số hồ bơi không hợp vệ sinh, nơi nhiều người bơi và để lại nước tiểu hoặc phân. Vi trùng này có thể gây tiêu chảy mãn tính.
4 điều nhất định phải tránh khi cho trẻ đi bơi
Ảnh minh hoạ
Không bơi ngay trước và sau khi ăn
Đối với bất kỳ một hoạt động thể thao nào cũng vậy, bạn cũng không nên tập luyện trước và ngay sau khi ăn. Bơi khi đói sẽ làm bạn mệt mỏi, mất sức dẫn đến tình trạng chóng mặt gây nguy hiểm. Nhưng bơi khi ăn no sẽ cản trở việc tiêu hóa thức ăn bởi máu lúc này đang tập trung ở những cơ bắp. Chính vì vậy, nếu cảm thấy đói thì bạn bạn chỉ nên ăn nhẹ trước khi bơi để đảm bảo sức khỏe cho mình.
Không bơi nếu chưa khởi động
Việc khởi động trước khi bước xuống bể bơi rất quan trọng, nó sẽ giúp các khớp được linh hoạt hơn và giúp các hoạt động trong cơ thể dần làm quen với hoạt động tập luyện từ đó bạn sẽ hạn chế được tình trạng chuột rút khi bơi. Hãy tập các động tác cho cổ, vai, tay, chân, hông… trong khoảng 10 – 15 phút trước khi bơi.
Không bơi ngay sau khi vận động mạnh
Bơi lội là một môn thể thao khá mất sức do đó mà nó được nhiều người chọn để giảm cân. Do đó, việc bơi ngay sau khi vừa vận động mạnh sẽ khiến bạn bị đuối sức. Nó sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho tim, nhiệt độ cơ thể giảm mạnh khiến cho bạn rất dễ bị cảm lạnh hoặc tụt huyết áp.
Không bơi lâu dưới ánh nắng mặt trời
Với thời tiết nắng như thế này thì bạn nên chọn những bể bơi trong nhà để tránh những tác hại của ánh nắng. Hoặc nếu bơi ở những bể ngoài trời thì bạn nên chọn thời điểm vào chiều chiều khi ánh nắng đã dịu đi để bơi. Không nên bơi quá lâu dưới ánh nắng mặt trời vì nó sẽ khiến da bạn bị bỏng rát, nhẹ hơn là sạm da và ảnh hưởng không tốt đến da trong thời gian dài cho dù bạn có bôi kem chống nắng.
Lưu ý: Bạn nên tránh khung giờ từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều hàng ngày vì đây là khoảng thời gian nắng gay gắt và nhiệt độ cao, cường độ tia UV cũng mạnh hơn. Đi bơi vào khung giờ đó dễ khiến bạn gặp phải tình trạng sốc nhiệt, đen sạm, ung thư da, viêm da.