Nam thanh niên cao to, đẹp trai nhưng không dám yêu vì lí do bất ngờ

Nam thanh niên 30 tuổi có ngoại hình ưa nhìn, đẹp trai, cao to đến gặp bác sĩ trong trạng thái tinh thần khá bất ổn vì lo tương lai không có bạn gái.
Chia sẻ

Bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Thận tiết niệu và Nam học, cho biết, vừa tiếp nhận một bệnh nhân 30 tuổi ở Hà Nội, chưa lập gia đình đến xin tư vấn từ bác sĩ.

Từ lúc sinh ra, nam thanh niên chỉ có một bên tinh hoàn nên thường xuyên mặc cảm, không tự tin vào bản thân. Anh từng phẫu thuật thoát vị bẹn hai bên ở một bệnh viện tuyến dưới nhưng không được xử lý triệt để phần ẩn tinh hoàn.

Nam thanh niên cao to, đẹp trai nhưng không dám yêu vì lí do bất ngờ - 1

(Ảnh minh họa).

Nam thanh niên có ngoại hình ưa nhìn, đẹp trai, cao to đến gặp bác sĩ trong trạng thái tinh thần khá bất ổn vì lo tương lai không có bạn gái hoặc người yêu phát hiện anh chỉ có một tinh hoàn sẽ chia tay.

Sau khi khám cho bệnh nhân, bác sĩ chẩn đoán anh bị ẩn tinh hoàn bẩm sinh kèm thoát vị bẹn. Để điều trị dứt điểm, người bệnh cần được phẫu thuật sớm. Nếu tinh hoàn teo nhỏ, có biểu hiện ung thư, bệnh nhân phải cắt bỏ, đặt tinh hoàn nhân tạo do chức năng sinh sản của nam thanh niên vẫn hoạt động tốt, bên tinh hoàn còn lại phát triển bình thường.

Theo bác sĩ Liên, nếu chàng trai không phẫu thuật sớm, áp lực tinh thần sẽ gia tăng, lo âu kéo dài, tạo điều kiện cho tế bào ung thư phát triển.

Sau khi nghe lời tư vấn, nam thanh niên đã quyết định phẫu thuật sớm để ngăn chặn nguy cơ mắc ung thư.

Theo các bác sĩ, ẩn tinh hoàn là một bệnh lý bẩm sinh, do tinh hoàn không di chuyển xuống vị trí bình thường tại bìu, mà nằm bất thường ở nhiều vị trí khác (ống bẹn, đùi, trước xương mu, trong ổ bụng, trước bàng quang…).

Ẩn tinh hoàn là bệnh lý phổ biến ở trẻ trai với tỷ lệ 3- 5% ở trẻ đủ tháng, 30 - 45% ở trẻ sinh non. Một số nguyên nhân có thể dẫn tới bệnh lý ẩn tinh hoàn như: Rối loạn nội tiết tố, bất thường di truyền, bất thường cấu trúc giải phẫu, sinh non, thiếu cân….

Tinh hoàn ẩn nếu không được can thiệp phẫu thuật hạ xuống bìu sớm trước 18 tháng tuổi thì có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như: Teo tinh hoàn, xoắn tinh hoàn, chấn thương tinh hoàn, ảnh hưởng tới tâm lý mặc cảm, tự ti và đặc biệt nguy hiểm khi tinh hoàn ẩn có nguy cơ tiến triển thành ung thư cao gấp 10 lần người bình thường.

Nếu gia đình hoặc người thân có tình trạng ẩn tinh hoàn như trên, hãy đưa đi khám sớm nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Cha mẹ nên lưu ý kiểm tra vùng bìu của trẻ nếu không sờ thấy tinh hoàn một hoặc hai bên hay 2 bên, đưa con đi khám ngay tại các bệnh viện có chuyên khoa ngoại về tiết niệu, nam học, nhi khoa.