Nghiên cứu ở Anh vừa phát hiện thêm tác hại của xả bồn cầu mà không đậy nắp. Những hạt nước siêu nhỏ từ bồn cầu có thể phát tán rộng ra xung quanh, thậm chí bám vào mặt và đi sâu vào đường hô hấp.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng công nghệ camera chuyên dụng tốc độ cao để ghi lại hướng di chuyển của các giọt nước và hạt siêu nhỏ bay ra từ bồn cầu khi xả nước, theo The Independent.
Một lần xả nước bồn cầu sẽ tạo ra hàng nghìn giọt nước siêu nhỏ. Những giọt nước này chứa rất nhiều vi khuẩn, virus và có thể bám lên các bề mặt cách đó gần 2 mét.
Các chuyên gia khuyến cáo, thay vì mở nắp bồn cầu khi xả nước, bạn hãy đậy nắp bồn cầu trước khi xả nước để hạn chế vi khuẩn lây nhiễm trong môi trường kín của nhà vệ sinh.
Thậm chí, chúng có thể bám lên mặt của người đang trong toilet, đi vào đường hô hấp dưới như khí quản, phế quản, phế nang và gây các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Ngoài ra, một người cũng có thể nhiễm bệnh khi chạm tay vào các bề mặt có mầm bệnh trong toilet, sau đó đưa tay lên mũi, miệng.
Mặc dù nguy cơ phát tán mầm bệnh cao nhưng hiện vẫn còn nhiều người không có thói quen đậy nắp khi xả nước bồn cầu.
Ngoài ra, khi sử dụng bồn cầu cần phải tránh những sai lầm sau:
Lạm dụng thuốc tẩy
Thuốc tẩy khi trộn với amoniac trong bồn cầu sẽ tạo ra khí độc choloramine, có thể gây ho, thở khò khè, buồn nôn hoặc chảy nước mắt, thậm chí ở nồng độ cao dẫn đến đau ngực, viêm phổi nếu dùng quá nhiều.
Ngoài ra, kết hợp 2 hay nhiều chất tẩy rửa nào đó có thể gây hậu quả nguy hiểm. Thuốc tẩy khi tiếp xúc với axit tạo ra khí clo độc hại, gây bỏng mắt, khó thở với số lượng nhỏ, gây tử vong với số lượng lớn.
Đứng dậy quá nhanh sau khi đi vệ sinh xong
Bệnh nhân mắc bệnh tim mạch nếu thời gian ngồi bồn cầu quá lâu, sau khi đại tiện, đứng dậy nhanh dễ gây thiếu máu não tạm thời, làm chóng mặt, hoa mắt, ngã quỵ, đặc biệt là người lớn tuổi.
Ngoài ra, buổi sáng là thời điểm huyết áp tăng cao. Vì vậy, những người mắc bệnh này không nên đi đại tiện khi vừa thức giấc, rất dễ xảy ra tai nạn. Nếu trong nhà có người mắc bệnh cao huyết áp, bạn có thể gắn thêm tay vịn bên cạnh bồn cầu làm điểm tựa an toàn, đi vệ sinh xong, nâng người lên từ từ.
Lót giấy vệ sinh lên bồn ngồi
Nhiều người nghĩ rằng lót giấy vệ sinh lên mặt bồn ngồi sẽ giúp da không tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn. Nhưng thật ra với cách làm này lại hoàn toàn sai lầm vì giấy vệ sinh để trong nhà vệ sinh cũng có nguy cơ bị nhiễm khuẩn cao, việc bạn lót giấy lên bề mặt bồn cầu chỉ có tác dụng về mặt tâm lý. Cách tốt nhất nên làm là cần giữ vệ sinh khô ráo, sạch sẽ.
Không dùng giấy lót tay khi ấn xả nước
Nút xả bồn cầu tại các nhà vệ sinh nơi công cộng sẽ không tránh có vi khuẩn. Vì vậy, để tránh vi khuẩn bám trên tay, có thể dùng giấy vệ sinh quấn quanh ngón tay và bấm nút xả bồn cầu. Sau đó, hãy bỏ giấy vào thùng rác và rửa tay cẩn thận.
Sử dụng bồn cầu như thùng rác
Rất nhiều người có thói quen đổ những thức ăn thừa, bã trà, băng vệ sinh,… vào bồn cầu nhưng việc làm này sẽ khiến bồn cầu bị tắc, không thông thoát được vì chúng không tự tiêu hủy được trong nước.
Bên cạnh đó những dầu mỡ của thức ăn nó sẽ bám vào thành bồn cầu, lâu dần tạo thành những vết bẩn ố vàng, ố đen. Thay vì trút hết thức ăn thừa, những rác thải vào bồn cầu thì hãy đổ chúng vào thùng rác an toàn hơn, sạch sẽ hơn.